Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Thằng Phoóng, em tôi

Truyện Nguyễn Văn Thọ

28768476_10210648147151201_453886274_o

Minh họa của Thành Chương


Phoóng kém tôi một tuổi.  Năm hai mươi mốt tuổi, tôi từ Hà Nội lên Lao Cai nhận công tác tăng cường cho miền núi. Tôi gặp Phoóng lần đầu trong trận đấu bóng chuyền của thị xã. Phoóng chơi cho đội bóng địa phương, cao to, cơ bắp cuồn cuộn, nhanh như sóc, mạnh như gấu, hắn che chắn tốt và đập dữ dội làm đội tôi liêu xiêu, phải gắng thủ hoà. Tôi là tay đập bóng nổi tiếng từ thời còn sinh viên, nên tự nhiên thấy cảm mến tay phùng địch thủ. Được gặp kẻ tài, lại ở cái nơi khỉ ho cò gáy,nên bén duyên nhau ngay. Chắc Phoóng cũng thấy yêu mến kì phùng địch thủ nên sau trận đấu, hai thằng tìm nhau, ngồi chung một mâm. Sau vài tuần rượu, anh ngỏ ý mời tôi tới nhà chơi.

Nhà Phoóng ở ngoài thị xã, bên một quả đồi khá rộng,cất theo lối từa tựa như nhà người Mông, rặt gỗ, thứ gỗ lõi đen xì mồ hóng, chẳng mối mọt nào gặm nổi. Mái là lợp thứ gỗ chẻ rất sẵn trên vùng núi, nhưng mặt tiền lại lai lai tí người Kinh, có hiên, có hồi, một giàn bầu trĩu quả, có thõ nấu rượu lớn ở bếp củi. Trước nhà có cái sân đất, khá rộng. Đang vào vụ thu hoạch ngô. Ngô treo trên xà, trước hai bên hiên nhà từng chùm lớn thõng xuống, vàng choé cả khoảng trời. Vừa ăn uống ê hề rượu thịt xong ở thị xã, nhưng hắn vẫn lấy hũ rượu ngô với mấy dải thịt nai khô nướng lên đãi khách.

Chuyện như bắp rang. Thì ra cách đây dăm chục năm ông bà Phoóng từ bên kia biên giới sang thấy đất màu mỡ nên khai phá rồi cất nhà ở luôn Việt Nam. Thời bấy giờ,dân hai nước ở khu vực biên giới sang bên nhau làm ăn canh tác, săn bắn, hái thuốc, buôn bán trao đổi sản vật là chuyện thường. Đất còn rộng, thưa dân nên uỷ ban cũng chẳng ngăn trở gì, thậm chí còn tạo điều kiện cho người bên kia biên giới sang khai khẩn, coi họ như người bản địa. Mẹ Phoóng bị bạo bệnh mất khi hắn bé tẹo.
Túy lúy một trận nữa tận say mèm ở lưng chừng trời, từ chiều tới khi trăng non lên ngang chừng đầu núi và, sương mây đùn ra bồng bềnh bay ngang hồi nhà trắng phớ. Say quá, tôi ngủ lại nhà hắn đêm ấy, sớm dậy đã nghe tiếng chím rừng hót ríu rít và mặt trời đã chiếu ngang tầm chim bay. Chúng tôi lại rượu, lại trò chuyện thân mật như tiền định, như quen nhau từ kiếp trước. Cha Phoóng thấy vậy bảo, cho hai đứa làm anh em, rồi định ngày mời tôi lên. Tôi vui. Vài tuần sau,đúng hẹn, tôi cùng vài người bạn lên nhà Phoóng làm lễ anh em. Cha hắn bầy bàn thờ ngoài sân. Phoóng kém tuổi tôi, làm em. Lúc cha làm Lễ khấn trời đất quỷ thần, tôi nghe rõ hắn thề, cả tiếng sắc tộc lẫn tiếng Kinh, giọng cứ âm âm vang vang, từng lời rõ ràng như bay trên tận đỉnh núi kế đó: “Là anh em, Phoóng này vui cùng vui, buồn cùng buồn, sống chết bảo vệ nhau, thuỷ chung như nước, không bao giờ phản lại anh Tân...”.
Từ bữa ấy, cứ rảnh rỗi tôi lại lên nhà người em kết nghĩa. Phoóng cũng thi thoảng xuống thăm tôi. Không thăm thì gửi qua người khác, khi thì bầu rượu, lúc cân thịt lợn rừng hay cái đùi dê
Theo thời gian, chúng tôi như hai con chó cún chẳng rời nhau. Những ngày nghỉ phép không về xuôi, tôi lên ở hẳn nhà hắn, khi thì làm nương rẫy, lúc đi săn. Tết, Lễ hai bên, tôi và hắn đều có mặt. Chuyện hai đứa, cả thị xã bé nhỏ biết, bảo,thằng Tân bị thằng Phoóng bắt mất hồn. Năm mẹ tôi tạ thế ở tận Thái Bình, hắn cũng nằng nặc xin về.
Mùa xuân hè năm ấy, máy bay Mỹ rơi, phi công nhảy dù, dân quân túa vào rừng tìm bắt. Hắn cũng đi vào núi săn phi công. Đi một mình. Chẳng ngờ gặp con gấu độc từ ven lối mòn nhẩy ra cắn xé. Phoóng một mình đi tìm giặc lái thì sợ gì gấu. Hắn đánh lại ngay, như tráng sĩ, không sợ hãi huơ tay dao sắc chống trả, chém, chặt hạ được gấu lớn, nhưng bị gấu vả, hai bắp tay đầy thương tích, chân trái cũng bị gấu xé một vệt máu dài, đau không bước nổi. Tự biết một mình nằm giữa rừng là chết, nên vẫn cố lê suốt cả ngày, qua đêm về tới gần nhà, gặp cha đốt đuốc đi tìm. Cha Phoóng mang con về nhà đắp thuốc ba bốn ngày không thuyên giảm.

Biết tin, tôi hớt hải lên, giục cha hắn cáng xuống bệnh viện thị xã.
Tháng Tư, Năm, vùng Tây Bắc mưa như thác. Nhiều nơi núi cũng sạt, đi lại thực khó khăn. Đường trơn, cáng hắn nặng như đá. Cha Phoóng già yếu, đi được vài tiếng lả đi, tôi ghé vai một mình cõng đứa em xuống núi. Phoóng trên lưng tôi, nghiến răng kèn kẹt. Chắc nó đau. Thương em, tôi càng cố. Bẩy tám giờ vượt rừng xuống núi, hắn chịu đau, không than khóc một lời. Vừa tới viện, lúc đặt vào băng ca,hắn tự nhiên khóc, tru lên như chó sói. Tôi hỏi, em đau lắm hả? Phoóng tay gạt lau nước mắt nói, không, em không đau, thương anh khốn nạn, vất vả quá.
Hơn nửa tháng nằm viện, nó hồi phục, lại như con trâu hoang. Uống rượu cả đấu, ăn hết cả hai cân thịt lợn...

Vài năm sau, tôi lấy vợ, nhân viên phòng y tế dưới xuôi lên. Rồi vợ sinh hạ hai lần, gái  rồi trai. Ngày làm đầy năm cho thằng cu, cha Phoóng ôm nó, trao cho hắn bảo, mày cũng phải lấy vợ cho tao có cháu bế. Quay sang tôi nói: “Thằng Phoóng giao du ít, không nhiều bạn, mày bắt một con vợ cho nó, tao chết cũng vui cái bụng”.
Phoóng rất hiền, chăm chỉ, cao lớn như dũng sĩ, tay bắp cuồn cuộn, ngực như hai bát úp, chỉ nhược điểm là quá ít lời, mắt lại xếch, ti hí nên ít cô gái thích. Vợ tôi có cô bạn tên Na, cũng là dân dưới xuôi lên đây định cư, ngoan, nết na. Na không đẹp rực rỡ, nhưng duyên dáng, lưng eo, mặt như trăng tròn. Gặp nhau lần đầu, Phoóng ưng ngay. Na không nói ra nhưng cũng có vẻ ưng làm bạn với Phoóng, nên mỗi khi lên nhà Phoóng chơi, Na xin đi cùng.
Thấm thoắt nửa năm sau, chuyện vợ chồng cũng thành. Ăn hỏi, cưới xin linh đình. Gia đình cô dâu họ mạc ở cả dưới xuôi, cha mẹ đều mất hết, nên ăn hỏi, Phoóng mang đồ Lễ tới cán bộ cơ quan Na xin vợ, coi như cha mẹ. Năm sau cha Phoóng ốm nặng rồi mất, cũng là khi vợ hắn sinh cho ông một quý tử. Hai năm sau lại thêm một bé gái rất xinh xắn. Việc nhà, từ khi cha mất, không kham nổi một mình nên Phoóng xin cho vợ nghỉ công tác, về nhà. Vợ chồng tôi thấy cũng hợp lí vì có Na thì hắn đỡ vất vả hơn nhiều
Phoóng là một gã đàn ông rất thương yêu vợ con. Những gia đình dân tộc khác,đàn ông hay rượu chè túy lúy, để vợ con rất nheo nhóc vất vả. Phoóng không như họ, uống rượu nhiều nhưng không bê tha, việc nương rẫy cứ băng băng, lăn lưng ra làm hết. Na được chồng cho ở nhà trông con, khi hai đứa trẻ lớn, chỉ ở nhà,nuôi mấy con dê, đàn lợn nái. Được cả vợ lẫn chồng, Na cất rượu rất ngon nên phiên chợ nào vợ chồng cũng mang xuống thị xã bán cả dăm chục lít, vì thế việc chi tiêu cũng khấm khá rộng rãi hơn người.
Chúng tôi cứ như thế sống. Tự nhiên và thản nhiên yên bình như rừng núi Tây Bắc.
Chiến tranh chấm dứt, cuộc sống càng tốt hơn. Vùng chúng tôi cũng được chú ý, nên đời sống dân no ấm, thậm chí có người bảo, hơn cả miền xuôi.
Nhưng được vài năm thì biên giới có vẻ bất ổn. Phoóng không được đi lại tự do sang bên kia nữa. Có lần nó bảo, em lo lắm, cái bụng chính phủ bên kia có vẻ tức tối, như con hổ trong cũi.
Cuối năm 1978, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy phó tự vệ cơ quan. Thanh niên các dân tộc cùng với người Kinh đều tham gia dân quân, tập tành vui lắm. Tôi bận nên cũng ít lên hắn.
Tháng Hai năm 1979, hoa ban, hoa đào vừa rộ, chín đỏ, tím, thắm từng vạt rừng thì tiếng súng biên giới bùng nổ. Quân địch tràn ngập rất nhanh từ bên kia tiến vào thị xã. Địch cậy đông, chúng tôi cầm cự rồi rút vào rừng, sơ tán dân vào các hang sâu và bí mật di dân về xuôi.

Nhớ tới Phoóng, tôi lên xem gia đình thằng em ra sao. Nhà trống hoác. Gọi hú mãi mới thấy Na từ rừng gần đó dắt hai con trở về. Nhận ra anh, Na tu tu khóc. Hóa ra người bên kia biên giới đã sang bắt Phoóng đi đâu từ vài tuần trước.
-Sao không báo cho anh biết?- Tôi hỏi Na.
Gạt nước mắt, tay ôm hai đứa con, Na nói:
-Nửa đêm, Phoóng bắt em dắt con trốn vào rừng. Bảo, có người bên kia sang nương tìm. Sớm sau về lấy thức ăn, thì chẳng thấy nó ở nhà nữa. Vẫn thân thiết với các anh, liệu họ có giết Phoóng không? - Nói rồi lại nước mắt ngắn dài.
-Thôi, mọi việc có trời- Tôi giục Na lấy ít áo quần cho hai đứa trẻ, đồ trang sức và tiền nong rồi dắt hai mẹ con tắt rừng về hang, nơi vợ con tôi trốn. Hôm sau nữa, dân quân dẫn đường, theo phương án đã vạch sẵn, vợ con tôi và gia đình Na cùng vài gia đình nữa theo đường mòn rồi lên mảng về xuôi.

Đưa vợ con đi rồi, lòng không bận bịu nữa, tôi quay lại đơn vị dân quân. Ngoài lòng như tạm an, nhưng thực ra vẫn như lửa đốt. Không rõ tính mạng em tôi, thằng Phoóng ra sao.
Quân giặc tràn ngập thị xã, chúng đốt phá, nổ mìn ì oằm. Lửa cháy khắp nơi, từ núi nhìn về cả thị xã chìm trong khói đạn. Ngày đêm rộ lên tiếng đại bác bay từng loạt qua đầu, tiếng rít chói cả óc. Lực lượng ta vẫn bám địch, quyết không cho chúng tự do tung hoành. Tụi tôi bắn tỉa, quấy rối, chờ đại quân lên.
Một tuần sau, quân chủ lực lên, ém quân cách chúng tôi ba ngọn núi. Tôi được lệnh cùng chính trị viên dân quân đi tắt rừng, bắt liên lạc với một trung đội của ta lên bám giặc. Bấy giờ đối phương phục khắp các nẻo đường quanh thị xã, nên hai người dặn nhau, đi cách nhau một đoạn, đề phòng khi gặp địch, có chuyện xảy ra thì vẫn có người sống mà đi tìm quân ta.
Chúng tôi đi cả tiếng an toàn. Tôi đi sau đồng đội trăm mét, vừa từ khe cạn lên, chuẩn bị sang một cánh rừng khác, chợt nghe tiếng AK 47 bắn nhức tai, rất gần. Chớp mắt, thấy chính trị viên bị bắn gục nơi bìa rừng. Còn thấy tay anh vẫy vẫy, như ám hiệu cho tôi chạy đi. Chưa định thần, thấy bị nhấc bổng, lôi thốc vào bụi rậm. Vừa định trở súng chống cự, có bàn tay hộ pháp nắm chặt lấy nòng súng ấn xuống và tay kia bịt chặt miệng. Rõ ràng nghe giọng nói: “Im, không chết đấy!”.
Hoá ra thằng Phoóng. Đúng là Phoóng. Nó ném tôi xuống đất như ném cái bao, thì thào: “Đừng nói, anh Tân. Bên trái ta có người đấy, nó bắn chết anh em mình ngay”. Sáng nhập nhoạng, định thần nhìn kĩ. Phoóng bấy giờ rõ là thằng giặc. Ăn mặc rằn ri, lính sơn cước, ngực treo khẩu AK47 báng xếp, trên lưng đeo thanh mã tấu, nom không còn hiền lành như Phoóng, thằng em tôi trước kia.

Tôi lấy lại bình tĩnh, xốc lấy súng. Phoóng dúi đầu súng tôi xuống, thì thào tiếp:
-Anh đừng liều. Em không bắn anh mà. Anh em sao lại giết nhau?- Lại nói gấp trong hơi thở- Vợ con em ra sao? Na, thằng Nam con Ẻn ở đâu?
Tôi nhìn vào mắt Phoóng. Đôi mắt nó khẩn thiết hiền lành như đôi mắt xưa nhìn tôi, ngày nó bị gấu vồ tôi cõng nó vào viện. Đôi mắt nó không phải đôi mắt thú, dữ dằn như ngọn lửa đã đốt phá thị xã chúng tôi những ngày qua.
-Vợ con em xuống phía Hà Nội với vợ con anh rồi!- Tôi nói nhanh.
-Lũ con em có khóc nhiều không?- Phoóng lại hỏi.
-Không! Chúng chơi với các con anh, chỉ có Na là khóc nhiều lắm- Tôi nói.
-Nhà em các anh không phá chứ? - Phoóng lại hỏi.
- Sao lại phá? Anh đã lên nhà đón mẹ con Na mà. Cửa giả anh đã chèn buộc hết rồi.Cửa chính lấy gỗ to buộc rất kĩ, không cho lũ người xấu vào.
- Em muốn về nhà!- Phoóng nói, mắt nó dớn dác nhìn quanh như sợ hãi điều gì.
- Em về làm gì? Mà về thì vào cái lối chái nhà bên phải ấy. Chỗ ấy em vẫn chui vào, khi đi uống rượu say về nhà ấy. Anh vẫn để ngỏ.
- Thế hả?- Mắt Phoóng ánh lên- Em muốn về nhà lấy cái ảnh ba mẹ con Na!
Tôi nhớ ra rồi. Tấm ảnh đen trắng bé bằng nửa bàn tay. Năm ngoái Phoóng xuống ăn Tết, được người bạn là phóng viên báo chụp cho. Chính tôi ra chợ thị xã mua cái khung làm từ những thước phim nhựa, để nó lồng ảnh treo ngay ở cái cột cái trong nhà.

-Thôi anh đi đi! -Phoóng đẩy tôi lùi ra, chỉ về một cánh rừng- Anh đi lối này, tìm chỗ nào mà trốn, mọi ngả chúng phục hết cả rồi. Tới tối nay thì rút. Nói rồi lại đẩy tôi đi.
Tôi ôm chầm lấy nó. Ôi thằng em. Tự nhiên không kìm được, tôi buột miệng: “Sao mày lại theo địch?”.

-Chính phủ nó bắt thôi. Cái bụng này vẫn là anh em.
Tôi nhìn vào mắt Phoóng. Tôi tin nó. Mắt nó đúng là mắt Phoóng những năm tháng yên hàn.
Tôi quay ra, bước vội theo hướng Phoóng chỉ. Phoóng chợt bước theo, nắm bả vai tôi như giật lại, thì thào:
-Anh Tân ơi, nhớ nhé, thằng Phoóng này chưa bắn một người Việt Nam nào đâu. Anh chăm sóc vợ con em.
Tôi thấy thương nó quá. Lòng nhói đau như có ai cầm dao đâm vào.
-Cẩn thận đấy. Bảo trọng! Nếu trốn được thì trốn- Tôi lắc hai vai hắn thì thào.
-Không trốn được. Nó giết ngay!- Đôi mắt Phoóng tràn ngập sự sợ hãi.
-Em không sợ giặc lái, gấu không sợ, sợ gì chúng! Trốn đi!- Tôi gằn giọng.
-Không! Sợ lắm! Thôi đi đi! Phoóng đẩy tôi đi.
Trời ơi. Điều gì làm nó sợ thế? Tôi nghĩ, thương nó quá. Ai đã biến nó thành người như thế?
Nó, thằng Phoóng em tôi, vẫn to cao rắn chắc như gốc cây sao, cây táu trong rừng. Đôi mắt cứ đăm đắm không chớp, khẩn thiết nhìn tôi như xin xỏ điều gì, làm tôi chút nữa bật khóc.

***

Theo hướng Phoóng chỉ, không gặp địch phục kích. Chờ tối hẳn, tôi mới chui ra khỏi hang nhỏ tìm hướng núi có quân ta. Tôi đi cả đêm, sớm sau tìm được đại quân ta, dẫn trung đội trinh sát theo đường mòn xuyên về thị xã.

Vài ngày nữa qua đi. Chúng tôi bám địch, trinh sát... , công việc bề bộn, có ngày không nghỉ một giây, nên chả có lúc nào nghĩ tới chuyện riêng.
Rồi địch rút, chúng tôi trở về thị xã tan hoang, đầy vết tích tàn bạo của kẻ thù.
Một vài ngày nữa, việc biên giới im ắng trở lại, dân lại lục tục kéo về ngay, họ lo lắng tài sản của cải cả đời gom góp. Tôi cũng xuống Bắc Thái đón vợ con và mẹ con Na quay lại thị xã.
Nghỉ ở nhà tôi một đêm, Na sốt ruột. Sớm sau giục tôi lên nhà.
Trở về nhà. Đó là niềm mơ ước muôn thuở của con người, nên dầu đã bao ngày mệt mỏi, Na cõng con gái phăm phăm, băng đi trước. Tới gần nhà, cô đi như chạy, vút lên.
Khuất một rặng cây không trông thấy Na nữa. Vài phút sau vọng về tiếng Na gào lên thảm thiết. Chúng tôi đều chạy túa cả lên. Chuyện gì xảy ra? Vợ tôi cầm tay thằng Nam như kéo nó bay lên trên mặt đất.
Trời ơi! Không thể tin được. Ngôi nhà Phoóng chỉ còn là đống tro tàn. Trơ mấy cái cột đen thui chảy dở dang, trồi trên nền nhà. Lô xô trên mặt đất là bát đĩa vỡ nát, nồi, chảo, cả lù nấu rượu qua lửa đỏ đã méo mó đen thui...

Na quỳ trên mặt đất. Trên đầu cô, dưới tàng cây sao đen là cái xác người treo cổ lủng lẳng. Nắng sớm vàng như mật, chiếu rõ cái xác đung đưa, đung đưa như người bị treo cổ cố ra sức quẫy đạp trước khi chết.

Tôi chạy tới bên Na. Vợ tôi ôm chặt con Ẻn, thằng Nam đứng lại như trời trồng.
Rõ ràng là Phoóng thằng em tôi rồi.
Ai đã giết, đã treo cổ nó?
Tôi trèo lên cây cắt dây cho Phoóng xuống. Cây làm giá treo cổ Phoóng cành ngả về hướng Bắc. Sợi giây thừng xoắn lại nhiều vòng không tở ra, mách rằng, Phoóng đã quẫy đạp chống cự nhiều lắm, mặt nó ngoảnh về phương Nam.
Bộ quần áo rằn ri của đứa em rách mướp. Trên người đầy những vết chém, vết quật và cào y như những vết của con thú dữ, gấu độc năm nào. Tôi cắt sợi dây quấn vào cổ em tôi, cả sợi giây treo lủng lẳng một cái biển giấy, đề chữ “Phản“ đỏ chói, có lẽ viết bằng máu nó.

Na khóc to hơn khi nắm lấy bàn tay Phoóng. Bàn tay trái của em tôi đang nắm rất chặt một vật gì. Tôi phải dùng sức mạnh bẻ gãy ngón cái, để hiện ra trong lòng tay to lớn đang cố nắm chặt, ôm ấp, như chở che, như cố níu giữ mãi mãi tấm ảnh chụp vợ con thân yêu của em tôi, thằng Phoóng.

Tấm ảnh nhỏ đen trắng còn rất nét ghi nhớ khuôn trăng Na ngời ngời và thằng Nam, cái Ẻn cười tươi như hai đoá hoa mai trắng giữa mùa xuân Tây Bắc năm ngoái.
Ai đã giết Phoóng, giết em tôi và treo cổ lên cây sao đen này?

-Ai giết em, Phoóng?- Tôi thét lên. Na nức nở vật vã bên chồng. Cả rừng núi âm âm tiếng ai oán của lũ chúng tôi. Nước mắt tôi lã chã rơi trên mặt đất, trên đất ấm, đất mà cả dòng họ em tôi và chúng tôi đã đổ bao mồ hôi để khai khẩn, cho đất sinh sôi.

Sao lại thế này, vợ tôi rên rỉ trong nước mắt.
Phoóng nào phản bội ai…
Ai?

Chính ai đã phản bội nghĩa tình của chúng tôi, những con người của núi rừng hiền lành, chỉ biết làm ăn chân chất, cho vùng biên ải này, cả hai bên yên ả và no ấm. Và, sự phản bội nào đã làm mảnh đất sớm nay lạnh cứng, để em tôi nằm trơ như khúc cây đã bị đốn ngã, đầy những vết chém tàn nhẫn?

Tôi đứng dậy, lau khô nước mắt nhìn nó.
Đôi mắt xếch nhỏ xưa là ánh mắt hiền lành, nay cứ trân trân nhìn lên trời xanh không một gợn mây. Không sao vuốt mắt cho em được. Tôi gọi, Na ơi, vuốt mắt cho chồng mày!
Na lau nước mắt, nhỏm lên ôm lấy chồng. Kì lạ thay, bàn tay em vừa đụng vào, mắt Phoóng như chớp chớp, rồi từ từ khép lại.

***

Chúng tôi đã tìm được chiếc xẻng lạ màu cỏ úa gãy cán, còn đầy vệt máu khô để chôn cất Phoóng.
Chúng tôi đã chôn em, thằng Phoóng em tôi, trên mảnh đất của Lào Cai, trong khu rừng sa nhân, táo mèo của gia đình em tôi, kề bên những rừng sa nhân táo mèo ngút ngàn của người Việt, cho đất quê tôi ôm nó vào lòng.

Tôi thuê thợ dưới xuôi lên tạc cho em một bia mộ theo tục lệ người Kinh, họ tên, ngày sinh và ngày mất. Đặt lên nấm mồ trong khu rừng mà ba đời nhà Phoóng đã vun trồng, tôi khấn:
-Phoóng ơi, chúng ta mãi mãi là anh em…
Còn một dòng chữ giản đơn nữa, tôi không khắc trên bia mộ, mà mãi mãi ở trong trái tim tôi, vợ con tôi và cả của Na…

Cho rng biên giới, tháng 2/2015