Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 12)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 16: Tâm sự

Già Đang một mình ngồi xuống bãi cỏ, cạnh là xô nước. Bãi cỏ như tri kỷ với già. Già hồi tưởng lại chuyện chiều hôm trước già qua xã Vũ Vân thăm trại phong Văn Môn, thăm trại thương binh nặng Quang Trung, Kiến Xương. Nghĩ mà thương những con người nông dân bất hạnh. Những người nông dân ấy đã làm nên lịch sử, cuộc đấu tranh 1930, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Họ dóng tiếng trống của làng Đông Lâm, Tiền Hải. Chính các cuộc nổi dậy của nông dân đã thúc đẩy, đưa ông rời bỏ làng quê đi theo Đảng. Sau mấy chục năm xa cách, thời cuộc lại đẩy ông về làng Vũ Công quê hương và giữ chân ông lại. Ngày ra đi, nhìn đường làng Vũ Công, nhìn con sông Kiến Giang, nhìn mộ cha cỏ mọc, nhìn cành dâu da quả mọng chín, quả bòng vàng thơm trong vườn mẹ, khóm trúc đầu ngõ, tiếng cá quẫy dưới ao… ông đâu có bận tâm. Những kỷ niệm trong thời thơ ấu đan dệt trong ông, giờ vẫn thắm thiết như xưa.

Hôm nay ngồi trước ao cá Bác Hồ, với thân phận người tù trong trời thu ban chiều, sương bay giăng kín mặt hồ. Cảnh yên tĩnh trước ao thu lăn tăn gợn sóng, ông nhớ tới cảnh ẩn dật của Nguyễn Khuyến khi trở lại Vườn Bùi. Cụ Tam Nguyên chứng kiến những bước thăng trầm bi thương bậc nhất lịch sử dân tộc. Người nhận thấy một cách xót thương bi tráng sụp đổ hệ tư tưởng lỗi thời của chế độ vua quan nhà Nguyễn.

Nguyễn Khuyến trở lại Vườn Bùi, nơi anh khóa Thắng hăm hở ra đi cũng như Nguyễn Hữu Đang trở lại chùa Trà Vi sau bao năm tưởng mang "sách kiếm" "đến" Tràng An thi thố, để giành lại sự tự do cho dân tộc. Sự trở về của hai nhân vật ở hai giai đoạn lịch sử tuy có khác nhau nhưng rõ ràng người đời đã nhìn thấy thân phận của kẻ sỹ.

Già Đang nghĩ cụ Khuyến thì "Cờ đang dở cuộc" còn mình như phận dây leo cố bám vào một thân gỗ tốt mà chưa tìm được, cũng như dảnh mạ chưa tìm được chân ruộng "hẩu" mà cấy…

Cụ Tam Nguyên chơi với ao thu, suốt ngày trò chuyện với phỗng đá: "Bốn mươi năm lụ khụ trở về đây" (NK). Mình có khác chi, cũng cô đơn, lầm lũi hàng ngày vui với tiếng kêu "lục lạc".

Càng nghĩ gương mặt già Đang càng bình tĩnh trước sự đời. Già cố gắng giữ lấy nụ cười hồn nhiên với mọi người. Trên khuôn mặt từng trải, hiểu biết, và tuyệt không bao giờ già thở than oán thán.

Ông quay ra bắt gặp người nông dân từ ngã ba Quang Bình đi về phía nhà thờ trên con đường gạch vỡ, cây xiêu. Nhìn bước chân và gương mặt ảm đạm của họ, nhìn đồng lúa đang vào thời kỳ nghẽn đòng, già chợt nghĩ: "Nếu những ai không biết việc chìm nổi cõi đời, rong rêu, ao nước, đường cày, sá bừa, nong nước "vục mẻ miệng gầu", không bao giờ ngủ trên bờ ruộng, vật vã với đất cày thì sao hiểu được người nông dân…

Chính người nông dân đã nói: "Ông lão dong trâu đi bừa / Là con ông lão ngày xưa đi cày". Hết thế hệ này đến thế hệ khác liên kết thành sức mạnh Việt Nam, mà dấu vết có từ làng quê.

Nhưng thời gian đã làm bao vật đổi sao dời, những mái nhà cổ, lớp rêu phong, cái cổng gạch xây cao vòm đâu còn? Những bộ kèo gỗ, những xà đình, cột lim, sự hoang phế đã đem lại mục nát cho làng quê già.

Còn đây cái hồ nước, bây giờ trở thành ao cá, chỉ làn gió nhẹ đã làm nên đợt sóng xô dạt thân bèo. Ông nhìn ngọn tre rủ xuống bạc lá thân gày đang quyệt xuống mặt nước vẽ nên sự buồn thảm. Gốc cây ấy là nơi ông chọn đất nằm chết… Rồi bất thần ông sợ. Ông đâu sợ chết, mà sợ cái người nông dân đi câu cá, bắt ếch - người đầu tiên gặp cái xác nằm cò queo khô đét đã tắt thở ba ngày, vội về "báo án". Rồi ông "nhà nước" gọi lên gọi xuống khảo tra: "Vì sao ông nhìn thấy? Vì sao lại đi ra đấy? Trước ông có ai đi qua đấy không?" Ôi, biết bao sự hiềm nghi gây cho người đi "báo án" làm việc thiện bao phiền toái. Chuyện nhỏ thế tưởng cho qua nhưng cách làm việc đó, đã để cho nhiều vụ trộm cắp giết người qua đi không tìm ra thủ phạm. Người lương thiện nom thế không đi "báo án", hoặc "báo án" lại lo kẻ xấu trả thù, không ai bảo vệ.

Ôi, cảnh cũ từ lúc ông mới lớn lên và nay đã lụ khụ về làng vẫn "muôn năm" là vậy. Chính ở làng Vũ Công này người cha hiền từ đáng kính đã dạy ông: "Bát cơm có được từ đâu?" Và cụm từ "sương nắng - một đời" đã thấm sâu vào tâm thức Nguyễn Hữu Đang. Lúc ông bước chân ra khỏi nhà, người mẹ ân cần đứng trước ngõ dặn con: "Đi đâu cũng phải nghĩ tới nhà, tới quê con ạ".

Bỗng dưng ông tự hỏi "Sự hài hòa là gì hả các thánh nhân? Lòng khoan dung nhân từ là thế nào hỡi Đức Phật từ bi?"

Lời người xưa như ngọn đuốc đưa ông đi. Những câu hỏi già Đang vừa đặt ra giờ ông tự đào sâu suy nghĩ. Biết đâu sớm ngày mai khi bước vào cổng trường các cháu học sinh trường cấp II Vũ Công lại ào ra cầu ao cá Bác Hồ hỏi ông sự "hài hòa" trong thiên nhiên, và lòng "khoan dung" nhân từ là thế nào hở cụ. Lúc ấy, ông biết trả lời cho những ánh mắt trẻ thơ kia ra sao, mà tâm hồn, trái tim ông không gợn chút "nói dối".

Ngày xưa lúc cha ông còn sống đã có lần nói:

- Tính anh ngang tàng, không chịu ai, kém ôn hòa nhẫn nhục. Tính ngang ngang mọi người trong gia đình họ mạc gánh chịu, nhưng ra đời cứ đòi khôn hơn người ta là khó sống.

Trời đất, cảnh vật, mây nước, trăng sao hài hòa nhau. Thế mà cái thế giới động vật hai chân lại ít có người hiểu được sự "hài hòa cần thiết"? Người ta thích có cái nhìn từ trên cao xuống nhưng mấy ai đã hiểu “Càng cao càng lạnh, càng cao thì càng cô đơn... Mọi việc cứ đổ cho số phận, cho ông trời. Cuộc đời Nguyễn Hữu Đang không hề đổ cho số phận mà già chỉ nuối tiếc thời tuổi trẻ kém "ôn hòa" "tham thắng" chẳng theo được lời khuyên của Lão Đam. Cuộc đời già có được là ở sự học hành rèn luyện. Già đã đánh mất tuổi trẻ tình yêu vì lao vào việc nước. Không có những giờ phút nhàn nhã dạo quanh phủ Tây Hồ. Nội tâm già luôn hướng vào công việc, đâu có thời gian để ý đến trăng sao, gió lạnh đầu ô. Lòng già phấn chấn, tràn ngập vì Độc Lập - Tự Do.

Già vươn vai dứng dậy ngâm bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi trong niềm cảm hứng.

"… Người đời trong trăm năm

Rốt cuộc như thảo mộc

Vui, buồn, lo, sướng, đổi thay nhau

Một tươi, một héo, vẫn tương tục..."

Ông già lại lọ mọ xách xô nước, vén cái mành chui vào trong mái nhà xiêu vẹo. Ông bỏ cơm chiều, nằm xuống cái giường gẫy, nương ghé cho nó khỏi sập xuống. Ông đi vào giấc ngủ rồi bừng tỉnh! Thì ra đấy là một giấc mơ ngắn ngủi, giấc mơ gặp lại cha và người đã khuyên ông: "Phải biết nén mình".

Người gặp trong mộng không phải ở Côn Sơn, rừng trúc. Đó lại là cha! Tưởng rằng gặp được nhà Nho đạo hạnh để hỏi cho ra nhẽ nỗi oan của biết bao kẻ sĩ trong đó có cuộc đời của Nguyễn Trãi. Nhiều lúc già phải thốt lên "Cái bi kịch cuộc đời của Nguyễn Trãi có một tâm hồn lớn phải sống trong cái lồng chật của xã hội. Hay vấn đề thời đại Nguyễn Trãi đặt ra kẻ cầm quyền được sử dụng quyền cao nhất sao hợp với lòng Dân…"

Ông già ấy có lần nói "Nguyễn Trãi theo đuổi một lý tưởng thanh bần và công bằng" như Hồ Chí Minh cũng đề ra công bằng và bác ái.

Theo chuyện bè bạn của già Đang. Họ là người cắt tóc, người câu ếch, kẻ đào rắn, đánh dậm… những người bạn chân lấm bùn, áo nhuộm đất, nói với tôi (VBC) cụ ấy có viết một cuốn sách về Nguyễn Trãi. Tôi dò theo nguồn tin sau bao nhiêu năm bị thời gian vùi lấp, với cái nhìn hạn hẹp, hiềm tỵ của một số người có trách nhiệm ở nông thôn coi giữ cuốn sách đó già để ở đâu? Gửi ở nhà ai? Hay trên ránh bếp, hốc đá nhà thờ, nào ai biết được? Giá như có trong tay ta còn biết thêm nhiều điều về Nguyễn Hữu Đang.

Nhưng đấy là những tin chưa chính xác, cần có thời gian tìm hiểu để xem xét để rồi kết luận Có hay Không. Nhưng rõ ràng cụ viết một đôi câu đối như móc từ gan ruột mình:

Nào công - Nào tội - Rằng nhục - Rằng vinh - Thương số phận Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi.

Cụ thương cho số phận kẻ sỹ như Khuất Nguyên khuyên vua Sở phải có lòng Nhân, củng cố binh lực, tích lũy lương thảo. Vua đã không nghe, chỉ lao vào ham chơi nên mất nước, nhà tan. Khuyên vua không nghe, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn.

Còn Nguyễn Trãi tài năng văn chương, chính trị đều xuất chúng, cho đến mối tình lớn lao vào lúc xế chiều đều đậm nét thời gian then chốt lịch sử Đại Việt mà vẫn bị bọn Lương Đăng thái giám hãm hại. Đối với Phạm Lãi -Trương Lương, Nguyễn Hữu Đang nghĩ khác. Ông quý hai nhân vật này, dù cuộc đời họ trải qua bao thăng trầm biến cố. Trương Lương giúp Lưu Bang xây dựng vương triều Tây Hán, nhưng ông biết tùy "thời", tùy "thế" quyết định thích hợp biết "tiến lên, dừng lại" đúng lúc. Ông là "tam kiệt" của đời Hán.

Phạm Lãi cũng vậy, biết thời thế và biết "dừng" khi chiếm được Cô Tô thành chinh phạt được nước Ngô. Phạm Lãi đã cùng Tây Thi bơi ra Tây Hồ, rồi đi qua mấy nước, thay tên đổi họ, lúc là Sư Tử Bì, lúc là Đào Chu Công thành thương gia buôn bán.

Hai nhân vật này đều có thái độ hành xử giống nhau vì họ biết "thỏ chết bỏ nỏ" thời nào cũng vậy, nên không màng công danh phú quý, đều tìm cách đi ở ẩn nên vế sau ông viết tiếp:

Vẫn nước - Vẫn nhà - Biết thời - Biết thế - Quý cuộc đời Phạm Lãi - Trương Lương.

Già Đang khen về sự hiểu biết cả Trương Lương ở những điểm then chốt “Thế” và “Cơ” . “Thế” của Trương Lương là nhìn vào sức mạnh, hay yếu, biết mình, hiểu người, ấy là nét căn bản. Nếu lấy sức mạnh hoành hành, chẳng qua chỉ con cơn gió lốc, cây cỏ tuy ngã rạp xuống nhưng chẳng bao lâu sẽ đứng dậy, chơm chởm như muôn ngàn mũi giáo chống lại uy vũ. “Cơ” hiểu rõ sự hưng vong, xét “cơ” trị loạn. Nếu không biết đến “cơ” chẳng qua là nhóm giặc nổi lên, bạo phá, bạo tàn, lâu dài sao được.

Già Đang đã có lần nói với ông Nguyễn Tiến Đoàn “Có người tuy được làm quan, nhưng lòng người chưa phục. Dân chỉ sợ “uy” mà không mến “đức”. Trong vũ trụ không có gì mạnh, mà không đến lúc yếu, bão mãi rồi cũng phải tan. Bão có thể xô tường trốc đá, trúc chẻ ngói tan nhưng không đáng sợ. Cái gì biểu lộ ra ngoài, cái ấy chóng diệt và ngược lại. Cái gì ngấm ngầm, cái ấy lâu mất. Lòng dân oán vọng uất ức nghìn đời chưa tan, nhưng không phát lộ. Nó như giọt máu đọng mãi trong lòng. Đã có “uy” rồi đến lúc phải mất, đã “mạnh” có lúc phải “yếu”. Nếu không thấu hiểu “thế” và “cơ”, làm sao trị được thiên hạ.

Vì vậy già khen Trương Lương - Phạm Lãi biết thời biết thế là vì vậy. Sau này ông gửi thư cho nhà văn Dương Thu Hương cũng suy ra từ “thời” và “thế”.

Nếu như Nguyễn Hữu Đang không rơi vào cái hố duy ý chí từ tuổi mười lăm mà cha ông đã chỉ ra "tính ngang đầu cứng cổ", cái tính tham thắng hợm mình đã làm ông hoang tưởng. Vậy là buổi sáng ông Võ Nguyên Giáp có gặp ông Đang ở ngôi nhà tầng 2 phố Phan Bội Châu, một biệt thự xây từ thời Pháp. Ông Giáp khuyên:

- Chúng ta là người có tổ chức, nên phải tuân theo nguyên tắc tổ chức của Đảng".

Ông Đang đã bỏ ngoài tai câu đó nên mới đi đến hình thành bộ hồ sơ (HN 44). Người ta giải thích HN là sự "hiềm nghi" đây là con người còn tồn tính nhiều điều hiểm nguy, nhưng "ông già điên" thường bảo: "Họ xác định tôi là người Nguy Hiểm"

Và chiều ngay hôm đó, có người xuống mời cụ Đang lên Sở Công an tỉnh. Trước khi đi khỏi làng Vũ Công cụ tìm đến gia đình cụ Đoán dặn: "Nếu tối tôi không về, coi như tôi đã vào tù. Không còn gì phải lo cho tôi nữa. Tuổi này rồi".

"Ông già điên" lại đạp chiếc xe mini qua phủ Sóc theo lộ 39 lên tỉnh. Ông không đi theo con đường dốc Bồng Tiên như mọi hôm vì mưa trơn lầy lội, ổ gà, ổ lợn lóc xóc, bùn đất nhão nhòe…

Cụ đến rất đúng giờ, đúng hẹn, đi qua phòng trực. Nơi đón ông là căn phòng nhỏ, kê chiếc bàn gỗ, vài chiếc ghế ba đai. Ông già lựa chiếc ghế ngồi xuống cho đúng phận. Một người thanh niên trẻ đưa ra mấy chai bia Hà Nội, đĩa kẹo Hải Châu và gói thuốc Tam Đảo bao bạc chưa bóc tem.

Người tiếp khách rất đon đả mời cụ ngồi. Từ phía trong, thủ trưởng bước ra, gương mặt ông niềm nở, kéo ghế ngồi đối diện với cụ. Tay ông nhanh chóng bóc gói thuốc, tay nâng cốc bia mời cụ. Với cái nhìn đề phòng, ông già nghĩ: "Cứ uống đã, đến đâu thì đến, (và cụ nhìn lại với cái nhìn cảnh giác). Ông già nhìn thấu tâm hồn người tiếp chuyện. Ông hơi so vai lại, tìm cách trấn an mình, để tìm cách đương đầu với mọi sự bất trắc xảy ra với ông. Ông hiểu "Dưới gối hạnh phúc thường ngầm chứa điều hỗn họa".

Ông quan sát nhanh, với một cách nhìn kín đáo và giữ cho đúng vẻ mặt kiên nhẫn của người có tội. Ông biết, cũng ở nơi này, cửa này, con người này, đã có lúc định đưa ông Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền đầu tiên nước ta, người dựng lễ đài Độc Lập về làm chân quét rác, nhặt cỏ cho Công an huyện Kiến Xương. Rất may đã có ý kiến của anh đeo kính trắng nói:

- Sử dụng cụ như thế e không phải đạo.

Nhưng rồi sự tính toán hơn thiệt, một cách kỹ lưỡng, người ta đã bỏ qua chuyện ấy. Ông thở dài khoan khoái, khi bóc chiếc kẹo Hải Châu đột ngột ông chủ động nói câu chuyện cổ và cũng tự để răn mình:

- Thưa ông, ngày xưa hoàng đế nhà Minh là Hồng Vũ nói với Đông cung Thái tử ở kinh đô đế quốc phương Bắc: "Người nông dân làm việc cực nhọc suốt năm, họ không được nghỉ ngơi. Nhà ở chỉ là túp lều lợp rơm, cửa ngõ bằng cây gai đan lại, quần áo mặc bằng vải thô, thức ăn chỉ là rau cháo đạm bạc. Vậy mà mọi chi tiêu thông thường của nhà nước, đều do họ gánh chịu. Con à, dù con ở nơi đâu, khi con ăn hãy nhớ đến sự cơ cực của người nông dân, con phải yêu sách vừa phải, và chi dùng chừng mực… "

Nói xong ông nhìn đĩa kẹo và cốc bia sủi bọt đặt ra một câu hỏi: "Liệu hôm nay tôi được hưởng đặc ân này có quá đáng không?"

Thủ trưởng không trả lời trực tiếp vào câu hỏi đó, và đột ngột đặt ra cho ông một câu hỏi:

- Theo cụ nước ta nên có mấy Đảng?

Ông trả lời rất nhanh:

- Nên có một Đảng.

Thủ trưởng xô ghế vội vã chạy vào phòng trong lấy sổ tay ra mở phăn phắt và rút bút ghi những ý tưởng tốt đẹp của người tù Nguyễn Hữu Đang.

Cụ trở lại giọng thật thủng thẳng:

- Có một Đảng tôi đã ngồi tù mấy chục năm. Nếu có vài ba Đảng chắc chắn cả họ nhà tôi phải ngồi tù…

Vị cán bộ chuyển vẻ mặt từ vui sang buồn, ngồi im lặng. Mãi sau mới cất lời:

- Theo cụ việc bắt Dương Thu Hương đúng hay sai?

- Ông hỏi thế tôi biết nói sao? Tôi có được nghiên cứu hồ sơ của bà ấy đâu. Dân ta, nước ta sống có kỷ cương pháp luật, cấm đoán cái gì, không cấm đoán cái gì, chỉ có các ông biết. Vậy đúng hay sai là ở các ông….

Vị cán bộ đại diện cho Nhà nước đứng dậy làu bàu: "Ông già quắt quá" rồi vị ngoắt đầu ngoắt cổ đi ra.

"Ông già điên" đến tối mới về tới nhà. Có lẽ đã rất khuya. Sau đợt đó, ông ngã bệnh ốm một trận kịch liệt.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)