Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 11)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 15: Chợt nghĩ

"Chợt nghĩ" là một đống tài liệu lủn mủn như đống rác của cụ Đang ghi chép lại. Đống tài liệu ấy có những tờ giấy nhỏ bằng hai ngón tay, to bằng bàn tay. Có tờ cả hai trang giấy viết một mặt, có tờ pô luya mỏng, hoặc cụ viết vào mặt trái của tờ hóa đơn nhà máy nước sạch Hà Nội. Có những dòng chữ rối rắm, đầy triết lý được chạy trên vỏ bao thuốc lá Du Lịch. Vì để ở nơi ẩm thấp tối tăm lâu ngày nên nhiều tờ mủn nát, có chữ không đọc được bởi thiếu dấu mờ nét.

Tất cả những con chữ đó đầy sức sống có hồn người được dấu mình trong một cái bìa sách màu đỏ sẫm như tiết lợn luộc, cũ kỹ, nhem nhuốc, hình như ông cụ nhặt được ở chỗ bà đồng nát.

"Chợt nghĩ” những gì được nảy sinh trong đầu óc cụ khi ở làng Trà Vi, Vũ Công, hoặc lúc ở chuồng trại chăn nuôi tập thể, hoặc ở Tam Quan nơi cửa Phật chùa Trà Vi.

Tôi đọc câu chữ của cụ thấy yên hàn, bình tĩnh trước cuộc đời, hồn nhiên. Tôi hình dung ra khuôn mặt từng trải với chòm râu thưa và bạc của cụ lão quê khi ra đầu xóm mua quả khế chua kho cá vẫn còn lo đắt. Những câu chữ cụ cứ lung linh như ngọn lửa. Bất chợt tôi nhớ lại bài thơ của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha con người tài hoa hết mình với thi ca âm nhạc viết về lão già Đang:

Một ngọn lửa

Như sự thật vương triều nào cũng sợ

Người sinh ra toàn lửa ở trong mình

Đưa Quốc ngữ vào dân, muốn tự do sáng tạo Nhân Văn

Người dấn thân tận cùng không do dự

Người chấp nhận bị dập vùi như cây cỏ

Lại xanh non, cô độc khóc cười

Cứ trai tân dọc tuổi thất lỡ

Cùng dân đen nhặt cơm vãi cơm rơi

Cùng dân đen dựng tầm vóc giữa đời

Người ép mình vào cánh rừng tuyệt lộ

Và đột ngột vụt lên vách đá

Lửa tạc một tượng đài.

Khai bút ngày Mồng Một Tết Đinh Hợi

NTK

Cụ Đang chấp nhận sống như cây cỏ, nhặt cơm rơi cơm vãi với dân đen. Nguyễn Thụy Kha đã nhận xét rất đúng con người cụ "ở hoàn cảnh sống cô độc trong căn bếp rộng 5 mét vuông chật kín những tư trang đồ đạc. Mấy ngọn sào tre gác dọc sát mái treo vắt cả chục cái khăn rách xơ như dẻ lau bát, áo may ô thủng nát, quần lao động vá víu, cạp quần đeo lủng lẳng chùm “lục lạc”. Thế mà cụ ghi lại những điều "chợt nghĩ" thật lạ lùng. Ôi chữ, chữ… không bao giờ ngơi nghỉ. Đêm ở đâu và ngày cụ viết ở đâu? Chữ chìm lặn, chữ trăng tròn nhưng khuyết đau thân phận… chả có chữ nào làm mờ mịt ánh trăng, ánh trăng cửa chùa soi vào cửa sổ…

Cụ viết: 21-22 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1978) nghĩa là cụ về Vũ Công được 5 năm (1973-1978) trong một tờ lịch bàn chẳng biết cụ nhặt được ở nhà ai to bằng đúng bàn tay, mặt trước ngày 21 cụ ghi bằng tiếng Pháp bàn về Trang Tử và Liệt Tử, mở rộng học thuyết Lão Tử (Huyền Diệu) mặt sau ngày 22 (ngày Chủ nhật) cụ bàn Thành phần con người. Toàn thể con người là "Thân", thân gồm: 1 xác, 2 thần

a/ Phách = sống động + bản năng + di truyền ảnh hưởng môi trường vũ trụ lúc sơ sinh do độ bén nhạy của thần kinh đối với các vì sao.

b/ Hồn Sinh Linh, đầu thai kết hợp với "phách" thành cá tính. Đức/ xu hướng, tính nết, ý chí và năng khiếu làm thành bản chất bẩm sinh. Sau bản chất bẩm sinh sẽ có bản chất xã hội, bản chất giai cấp, bản chất dân tộc.

c/ Tâm: ý thức dân tộc, ý thức giai cấp, giáo dục văn hóa, sinh kế diễn biến cuộc đời, quyết định, làm biến dạng phần nào hoặc nhất thời bản chất…

Đoạn chót trang này cụ luận bàn nhiều chỗ bị gạch xóa, chữ quá nhỏ đọc không nổi. Tôi đành bỏ qua…

Trong cái mớ hỗn tạp này tôi rất chú ý đến trang viết tay của cụ về Thông Điệp của Lão Đam.

- Lão Đam khuyên người đời sống "ôn hòa", "dè dặt" mà chẳng ai chịu nghe theo.

- "Ôn hòa dè dặt" trong đối nhân xử thế, và "ôn hòa dè dặt" trong ý thức tư tưởng của mình, cả hai đều là Khiêm Nhu.

- Khiêm Nhu về những gì có thể làm được.

- Lão Đam dùng hai từ Tri Túc thay cho hai từ Khiêm Nhu, vì tự nhận mình Khiêm Nhu, cầu tiến, tự phụ, sao bằng tự nhủ mình "biết điều", "biết thân", tự lấy làm đủ, coi như đã đủ, đã hết khả năng, không dám mong hơn. Nói cách khác "Tri Túc" là biết phục tùng những điều kiện khách quan, là thừa nhận cái giới hạn không thể vượt qua.

Tri Túc chính là biện pháp tránh tham lam, tránh duy ý chí. Đó là nhân sinh quan của Lão Tử, có thể nói đó là nội dung triết lý của Lão Tử. Bản chất loài người là "tham lam" và "duy ý chí".

Nếu ta hiểu đạo là cái tất yếu, thì "Tri Túc" chính là thái độ của Thánh nhân bậc cao hiền minh triết.

Một tờ giấy làm ruột bao thuốc lá Điện Biên bao bạc ngày xưa, cụ luận bàn về “Tri Túc” câu mà mọi người thường nói mà đâu có hiểu đến nơi đến chốn như cụ.

Tri Túc (không tham)

Biết đủ - Biết lấy làm đủ, cho là đủ. Biết cái giới hạn khách quan của khả năng (làm được hay nhận được). Bằng lòng với hiện thực đang có.

Không tham: Danh - Lợi - Quyền - Thắng - Hơn.

- Tự do bình đẳng cho riêng mình.

- Phục vụ cá nhân hay cộng đồng về đời sống vật chất, hay tinh thần.

- Lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ đến cuồng vọng, mê tín.

Cụ bàn luận về Lão Trang ở những năm cuộc sống ông gay go nhất. Nơi làng Vũ Công ai yêu ông, ghét ông không cần biết, nhưng cụ đã vận dụng khả năng cao nhất để nhìn sự vận động bên trong bên ngoài con người và sự vật. Thường thì bên ngoài người ta nhìn thấy quá dễ, nhưng bên trong nó là cả sự bí hiểm, cái phần tinh thần nó mới phức tạp làm sao. Những khuyết điểm bẩm sinh của con người nó không được gột rửa, không được kiểm soát, không biết kiềm chế, thì cái Danh - Lợi - Thắng - Hơn cái phần "thú" của nó sẽ sinh ra tội ác. Vì thế mà có sự đổ vỡ của nhiều danh nhân dũng tướng vào lúc cuối đời là vậy.

Mao Trạch Đông đã bày ra tấn tuồng "Cách mạng văn hóa" để sát phạt một cách điên rồ cuồng nộ vào những người dám trái ý ông, dám ngăn cản việc ông làm.

Nhóm "Nhân văn giai phẩm" "được" các ngài gọi là "tổ quỷ" cũng cùng một lối đi chung của số người thời ấy với chủ nghĩa Mao ít.

Những người không biết Làm Người, không thực học chỉ dựa vào thời thế để tranh giành chức tước ngôi báu, có phải là người "Quân tử" hay không?

Mặt trái của tờ hóa đơn thu tiền nước tháng của nhà máy nước sạch Hà Nội cụ Đang lại bàn về Quân tử và Tiểu nhân.

Sử sách cổ của Trung Hoa có ghi thái độ của Lão Tử coi khinh thuyết Nhân Nghĩa của Khổng Tử và tiếp theo là của các Nho gia lớn. Thái độ ấy không phải vô lý mà có nguyên nhân ở tình trạng xã hội lúc bấy giờ. Đạo đức nhân nghĩa là một vấn đề của riêng tầng lớp Quân tử chứ quảng đại quần chúng nhân dân là Tiểu nhân thì chẳng những không có điều kiện để xử thế theo nhân nghĩa từ trên ban xuống. Liên hệ tình hình thời ấy với tình hình thời nay, trong xã hội hiện đại, Nhân nghĩa dần dần được thay bằng khái niệm "Dân chủ". Dân chủ cũng xuất phát từ tình cảm thương yêu quý trọng con người mà đi đến tổ chức xã hội "bình đẳng, công bằng" về chính trị, về kinh tế. Dân chủ chính là Nhân nghĩa mới. Bởi vậy nơi nào thực hiện chủ trương quản lý xã hội bằng chuyên chính thì mặc nhiên tư tưởng và hành động đều trái với Nhân nghĩa.

Mấy nghìn năm đã qua không còn giới Quân tử và Tiểu nhân, nhưng lại có giới cầm quyền chuyên chính, lãnh đạo dân tộc bằng bạo lực và giới bị trị phục tùng sự điều khiển của một bàn tay sắt bọc nhung (dấu trong hai chữ Dân Chủ). Ở đây nêu một nền chuyên chính quyết liệt có vẻ và không cần thiết để đảm bảo cho cách mạng phát triển thật sự. Những đức độ khoan hòa thực sự lại có sức thuyết phục cảm hóa nhân dân hiệu quả hơn nghìn lần. Rốt cuộc Nhân nghĩa phải nằm trong Dân chủ.

Rất tiếc là cái "máu" Chuyên Chính đã nhiễm vào chủ nghĩa Mác từ đầu… phải chờ… khi nào tái bản.

Thực tình tôi (VBC) không thể hiểu nổi, ở dưới cái làn khói mỏng trên cái mái bếp xô, tre gẫy, lạt đứt, trong gian nhà đó có một con người mà kiến thức được cụ hiểu đến tận cùng các vấn đề nhân sinh xã hội như thế, hiểu về đạo với đời như thế. Trang khác cụ lại suy luận về Chủ Nghĩa Tất Yếu Khách Quan.

Trở lại vấn đề "tất yếu khách quan" cụ lý giải thêm: "Vì loài người "Vô minh" Phật sĩ Đạt Ma cũng nhất trí với Lão Đam ở chỗ này. Nên Lão Đam khuyên con người không nên hợm mình, hành động thô bạo duy ý chí vi phạm "Tính tất yếu khách quan". Trong cuốn sách duy nhất của ông có một câu ân hận: "Ta chỉ khuyên người nên "ôn hòa dè dặt" mà không ai nghe theo"…

"Ông ngồi trầm tư giữa đống dẻ rách, dép lốp đứt quai, đinh còng qoeo chai lọ bụi bám đầy, những cái vỏ lon bia, những mẩu sắt han rỉ, chẳng biết để làm gì?" (Phần viết thêm của Phùng Quán 12/1992).

Già Đang ngồi đấy, để suy nghĩ những thuyết luận của Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử của đạo Phật về vũ trụ, rồi chủ nghĩa Mác Lê nin và đang chuẩn bị cho một cái chết sắp tới như cụ đã tâm sự với nhà thơ Phùng Quán và Phùng Quán viết

"Cụ im lặng hồi lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi hỏi tiếp: "Chú có biết điều gì lo lắng nhất của tôi hiện nay không? Không đợi tôi đoán, anh nói luôn. Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu? Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chả được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội… Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng không làm phiền người ta… Có ai muốn một người không phải ruột rà máu mủ lại nằm chết ở trong nhà mình? Ngay cả cái bếp này cũng vậy, tôi nằm đây chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô các cháu học sinh… bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội, ở đây tại quê hương bản quán tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết… Chú Quán ra đây anh chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy.

Tôi theo anh ra đứng ở cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. anh chỉ tay về bụi tre gần cuối xóm đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt đấy! Dưới chân bụi tre có một chỗ trũng không bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng rất vừa người tôi. Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phiền hà ai. Tôi chọn một con đường ngắn nhất để có thể kịp đến đó trước khi nhắm mắt xuôi tay…" (Ba phút sự thật - Phùng Quán)

Tôi ngồi đọc những trang viết đầy nước mắt của Phùng Quán về cụ Đang. Tôi nhấc máy gọi Tống Ngọc Trung bạn văn đạp xe xuống xã Vũ Công để tận mắt nhìn cái khóm tre ấy, tận mắt nhìn miếng đất bằng cái chiếu vừa chỗ người nằm và chắc chắn có một buổi chiều đông nào đó vắng người, cụ đã ra dọn dẹp, cứt chó lá tre, gạch đá lổn nhổn để khi chết nằm xuống đỡ gặp phải gai, cọc đâm vào người như gai cọc trên đời lúc sống. Và chắc chắn cụ đã nằm xuống thử xem có được như cái huyệt chôn người không? Có vừa người mình không?

Tôi và Trung ước lượng bằng mắt từ nơi cụ Đang ở sang bụi tre vật vờ cuối đông lá bạc trắng, thân tre đã ngả màu vàng hơi gù xuống mặt ao, vẻ già nua xương xẩu, như ông già đeo "lục lạc" tôi nói với Tống Ngọc Trung: "Không biết hàng ngày bậc hào kiệt trầm tư ngồi ở cái bậu cửa gần cầu ao nhìn ngọn tre vật vờ như đang vẫy gọi về với cõi chết, lúc đó lòng cụ buồn hay vui nhỉ? Và đến lúc trở thành thân tàn ma dại không ngồi được, không ăn uống được, muốn bò ra được chỗ mình nằm chết chắc chắn cũng hết một đêm. Một đêm lê nhích từng đoạn đường lổn chổn đất đá. Rồi sáng hôm không có ai nhìn thấy già trong mái bếp này. Ai là người đi tìm cụ? Liệu có ai nghĩ đến dưới gốc tre kia, già đã nghĩ ngợi chuẩn bị cho một cái chết êm đẹp chẳng phiền toái đến làng nước, con cháu xa gần hàng mấy năm nay không nhỉ? Hay chỉ đến vài ngày sau thân cụ đã thối rữa. Con quạ, con chó con chuột, con cáo gặm chân, móc mắt cụ ăn. Người ta đi qua đánh hơi được… thì lúc ấy tấm lòng nhân ái của con người có kịp thức dậy, có đau xót cho một thân phận, một kiếp người như già.

Sau khi gặp được Phùng Quán, già Đang đã rút ra được một điều "Tương tri mới hiểu tương tri" giữa cụ và Phùng Quán còn có chút ân đức mà kết nghĩa anh em, khác gì người tri kỷ, đôi bạn ấy lại đồng lòng đồng dạ khác gì kẻ "tri tâm" rồi cả hai cùng ý chí, cùng quan niệm trong "tự do và dân chủ". Người đời coi là tri âm.

Cụ bộc lộ được tâm tư cái phần cuối đời của mình, nhất là cái "chết" từ đó nhà cụ như có chút nắng sớm tràn vào - Già ngồi dịch một tài liệu quý:

Tôi không đủ trình độ đào xới sâu về đống giấy lủn mủn chữ như trấu rắc của già, để tâm trạng càng xót thương càng ngậm ngùi trong nỗi đau nhân thế.

Già vẫn minh triết trong sáng, mà họ bảo cụ “điên’ thì lạ thật! Cả cuộc đời "ông già đeo lục lạc" sống trong cái nhà bếp trường cấp II Vũ Công nhiều đêm vắt tay lên trán cầm quạt mo đập muỗi, có lúc dùng cái quạt mo rách gãi lưng, gãi sống chân cái chỗ nó ngứa sứt sát cả mặt da. Những năm tháng đó ông thấm cái thông điệp của Lão Đam đến thế "ôn hòa không tham thắng" để rồi ngày 1/6/1990 ông đã viết lá thư tâm huyết gửi Dương Thu Hương. Lời ông như soi rọi có sám hối đoạn đấu tranh đầu đời của mình cho "dân chủ tự do". Do phương pháp thiếu "ôn hòa" diễn đạt "thiếu bình tĩnh" để rồi 15 năm giam chặt được nối tiếp 15 năm giam lỏng giáng xuống đời cụ.

Vũ Công 1/6/1990

Thân ái gửi chị Dương Thu Hương

Nhận bức thư này, chưa kịp đọc, chắc trong giây phút, chị không khỏi đặt liền mấy câu hỏi: Góp ý về tác phẩm, hẹn đến chơi xã giao? Nhờ giúp đỡ việc gì?... tán thành hay phản đối quan điểm này, hành động nọ?... Đều không trúng. Tôi viết thư này chỉ để tỏ cảm tình với một Nhà văn mà tôi quý trọng về cả năng lực sáng tác và nhân cách, như tôi đã quý trọng Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng.

Tôi chưa có cái may mắn được quen chị, và chị đối với tôi chắc cũng chỉ mới "văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình" như các thày khóa nói dí dỏm về ông "ba bị". Tuy vậy, biết chị không khó tính, tôi mạnh bạo nói chuyện với chị một cách thân mật như nói với người bạn đã hiểu rõ mình, gần gũi mình. Chị cho phép chứ?

Nói chuyện với chị, tôi ở vị trí một người già hơn nhiều tuổi nhưng lại kém nhiều mặt, mong được bình đẳng và cam đoan không có động cơ ích kỷ, không tự cao, tự đại, không khiếp nhược bàn rùn, chỉ có một tấm lòng cởi mở, nhiệt tình, thiện chí và chút kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng để làm quà, chị tiếp nhận hay không tôi đều yên tâm vì đã làm theo tiếng gọi của lương tri của tình nhân ái.

Trước hết tôi phải bộc lộ tại sao tôi nảy ra ý muốn viết thư cho chị? Hẳn không phải để cầu danh trục lợi hay mua chuộc, vì chị chẳng có điều kiện gì để tôi mong đạt được những mục tiêu ấy. Cũng không phải một trò chơi cầu kỳ vì tôi vốn có tính nghiêm chỉnh. Hình như có một sự ngẫu nhiên được đọc, rồi ngẫu nhiên được nghe. Cuối cùng là ngẫu nhiên được gợi ý.

Chị Hương ạ! Tôi đã đọc "Những thiên đường mù", bản tham luận của chị tại Đại hội Nhà văn lần thứ IV, bản ghi buổi nói chuyện của chị ở Câu lạc bộ Nguyễn Du, báo Lao Động số 7/1989 nói về vụ Phan Đắc Lữ, những bài viết về chị trên các báo Tiền Phong, Đoàn Kết (Pari) và mới đây bản nội dung cuộc nói chuyện của chị ngày 1/3/1990 với một cán bộ công tác ở Ban Tổ chức Trung ương. Tất cả những điều mà chị viết, chị nói trong các trường hợp ấy cộng với dư luận về chị đã giúp tôi hình dung được triển vọng của chị trên con đường đang đi. Tôi thấy nó hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Nhưng bên cạnh cái khả năng thành công cũng xuất hiện một khả năng thất bại, ít ra cũng là những hạn chế đáng tiếc, nếu chị không nhận ra kịp thời những chỗ sai lệch và quyết tâm sửa đổi - Sửa đổi cái gì?

Quả thật tôi không có ý định tranh luận với chị về văn học (theo thứ lý luận nào đó) hay về chính trị (theo một chủ nghĩa nào đó). Tôi chỉ muốn trao đổi với chị về phong cách đấu tranh cụ thể là về mức độ đề xuất và về hình thức diễn đạt nhận xét, phê bình, đề nghị:

1, Đề xuất nên ôn hòa, nghĩa là vừa phải, người ta có thể chấp nhận.

2, Diễn đạt điềm tĩnh, nghĩa là bằng lời lẽ, mềm dịu, nghe dễ lọt tai

Ôn hòa hơn cực đoan, quá khích. Điềm tĩnh hơn gay gắt, cay cú. Chân lý ấy tuy đơn giản, thông thường mà khó tiếp thu ở lứa tuổi thanh niên hoặc trên đà hăng hái. Chị đã đứng tuổi, song sức khỏe còn dồi dào, chị phải cố gắng lắm mới tự kiềm chế được để thực hiện "đề xuất ôn hòa", "diễn đạt điềm tĩnh" - Một phong cách có lẽ không phù hợp với những tâm hồn ấy. Tôi tin như đinh đóng cột rằng phong cách này sẽ giúp chị trở nên chín chắn, vững vàng.

Theo tôi hiểu, cho đến ngày hôm nay, sự hoạt động xã hội nghiệp dư song song với nghề viết văn của chị, đã trải qua những bước đầu chưa vấp váp. Nhưng chị hãy thận trọng, hãy tạm dừng lại để kiểm điểm điều chỉnh, củng cố trau dồi, rút ra kinh nghiệm để tránh sai sót về sau. Bằng không thì cái thiện chí đấu tranh cho tự do dân chủ, và nhân đạo của chị có thể bị lu mờ, bị hiểu lầm thành ác ý có thể gây ra phản ứng đối địch, có thể bị gạt bỏ, vùi dập oan, vì chị cực đoan quá khích, gay gắt, cay cú.

Lý lẽ của chị sẽ có sức thuyết phục mạnh hơn nếu điềm tĩnh. Việc làm của chị sẽ kết quả hơn nếu ôn hòa. Thời đại này là thời đại đối thoại, thay cho đối đầu, chẳng trong quan hệ Quốc tế, mà cả trong nội bộ mỗi dân tộc, giữa các tập đoàn, các xu hướng. Bước vào thập kỷ 90, một công dân như chị có những quan điểm không ăn khớp với lý luận, đường lối, chính sách hiện hành, không nhất thiết phải trả giá đắt mà có thể tìm ra lối thoát bằng cách đem theo hai bảo bối "ôn hòa và điềm tĩnh" đến đối thoại với cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền. Đối thoại bình đẳng, hoàn toàn vì ích nước lợi dân, ai tránh né phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Chị Hương nhiệt thành và khảng khái.

Viết đến đây tôi không nghĩ về tôi, tự thương mình đã rơi vào cái hố duy ý chí từ tuổi mười lăm, rồi cứ thế càng ngày càng cuồng tín, hợm mình, tham thắng, khi biết đến cái bí quyết sống "tri túc" lấy làm đủ của đạo học thì đã muộn.

Ôi! Hai tiếng ôn hòa mà Lão Đam để lại cho hậu thế, trước hết cho những người không đủ bản lĩnh "vô vi" như một lời nhắn nhủ ân cần, thiết tha, hôm nay tôi nhắc đến lòng tôi ân hận chừng nào! Biết bao lần tôi kém ôn hòa, điềm tĩnh. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chưa thấm vào đâu với trận đánh hiện nay chống lạm dụng và lợi dụng chuyên chính. Nhưng ở thời điểm của nó, biết đâu nó lại chẳng là cực đoan quá khích so với hiện thực Việt Nam những năm 1956 - 1957 và vì thế nó đã không tồn tại được lâu? Biết đâu mười lăm năm tù giam chặt được nối tiếp bằng mười lăm năm giam lỏng giáng xuống đầu tôi chẳng là chuộc cái sai lầm kém ôn hòa, điềm tĩnh.

Biết đâu… Biết đâu… tiếc thay khoa học xã hội không có khả năng làm đi làm lại trăm lần để chứng nghiệm. Nó chỉ dự đoán, mò mẫm. Bởi vậy, theo nó, ta theo dè dặt, ôn hòa…

Chúc chị vui mạnh, bình yên, thắng lợi…

Nguyễn Hữu Đang

TB: Phần này cụ viết chữ ngả:

Giá tôi đến gặp chị để trực tiếp nói chuyện với nhau thì cuộc trao đổi ý kiến có thể đầy đủ hơn, thú vị hơn. Rất tiếc là chung quanh chúng ta không thiếu gì những kẻ xấu sẵn sàng dèm pha sự tiếp xúc giữa chúng ta là "trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa". Mong chị thông cảm thái độ "giữ ý" bất đắc dĩ của tôi.

Nguyễn Hữu Đang.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)