Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 10)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 14: Tổ quỷ

Già Đang bước vào đầu sân, trông dáng đi của người lữ hành hôm nay vẻ thất thểu gương mặt hiện lên đầy đủ một con người đã chịu đựng đau khổ, đến nỗi ông không còn tin gì ở cuộc đời này, cũng không còn dám hy vọng gì nữa.

Ông Đoàn hơ hải chạy vào nhà ngang lấy thêm chiếc ghế đẩu, hai cái kê liền nhau mời ông Đang cùng ngồi.

Từ trong tay nải già Đang lôi ra mấy cái bánh lá gai miệng mấp máy:

- Biếu anh mấy tấm bánh.

- Bác chu đáo quá…

Gió thổi thoảng chút se lạnh. Heo may đã bắt đầu kéo về. Cái nắng nhẹ hắt từ giàn hoa ti gôn xuống sân gạch lát. Những cánh hoa mỏng lả tả thả xuống sân, màu hoa giống như màu máu. Đàn gà con mới nở nhốt ở trong lồng giờ mới được thả ra, nó chạy nhảy nhởn nhơ quây quanh mẹ. Lông chú gà con được dệt bằng lớp tơ vàng mượt mà như lụa, ông Đang sà tay xuống chộp được một con ấp vào lòng nghe nó kêu nhiêm nhiếp, tiếng gọi mẹ buồn thảm.

Ông Đoàn nêu: "Tình hình này giữa ta và Mỹ đã đến lúc quan hệ hai nước phải thay đổi. Hàng ngày những tin tức từ các nước trên thế giới mà ông tiếp cận được làm ông chứa chan niềm hy vọng trong cuộc đổi mới của Nhà nước ta."

Già Đang nói vẻ suy tư triết luận hơn:

- Sự không hiểu nhau giữa các dân tộc không còn nữa. Đã đến lúc phải xóa bỏ hận thù giữa người Việt với người Việt, giữa người Mỹ với người Việt, hai dân tộc phải coi nhau như bạn, như ân nhân, nếu không muốn để kẻ thù nghèo đói nó ngự trị thì phải bắt tay với Mỹ. Đời sống của nhân dân lao động chỉ trông nom vào cái bắt tay của các nguyên thủ quốc gia. Cái quan niệm quốc gia của chúng ta xưa kia là hẹp hòi, chỉ nghĩ đến biên giới, lãnh thổ, đấy là một lỗi lầm. Một quốc gia mà Chính phủ yếu ớt chắc gì giữ được bờ cõi giang sơn, sẽ đưa dân tình đến hoàn cảnh sống trong đói kém, ngu dốt…

Nhớ lại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô đã phê phán việc sùng bái cá nhân Stalin. Đại hội đã nêu ra một loạt luận điểm cho xã hội, đó là tinh thần hòa bình, chấm dứt chạy đua vũ trang giải trừ quân bị. Với chính sách trong nước Dân Chủ Hóa - Dân Chủ Hóa Trong Sinh Hoạt Xã Hội - Dân Chủ Hóa Trong Quản Lý Và Kinh Tế.

Người đầu tiên thực hiện chính sách ngoại giao cởi mở là Khơrutxop, ông ta đi Mỹ với điệu bộ "hách" ra phết. Hồi đó ai cũng nhớ có một ngôi sao Bale Plisetscaia được Anh quốc mời biểu diễn, các nhà lãnh đạo không cho đi, sợ "bùng". Cô ta viết thư lên Khơrutxop, ông ta chấp nhận đề nghị của cô và giải thích với các nhà lãnh đạo như sau: "Ta không xây dựng xã hội chủ nghĩa như một thiên đường, rồi lùa người ta vào đó như một đàn cừu, khóa trái cửa nhốt họ lại". Ngôi sao Balê biểu diễn xong lại về Liên Xô. Đấy là một bài học sáng giá cho các đồng chí lãnh đạo Liên Xô trái với ý kiến Khơrutxôp.

Cái "Tổ quỷ" (cách giận dữ của Tố Hữu gọi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) chúng tôi ra đời ở giai đoạn đó.

Đầu năm 1958 có hai hội nghị quan trọng của những người làm công tác văn nghệ. Tháng 2 năm 1958 gồm 172 người tham dự, hội nghị sau vào tháng 2 năm 1958 có 304 người dự. Mục đích chính là nghiên cứu Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, kết hợp với hai bản Tuyên ngôn tuyên bố của hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân họp ở Mạc Tư Khoa 1957.

Ở hội nghị này, những người dính líu với Nhân Văn Giai Phẩm đều bị phát hiện tố giác. Một danh sách nhiều tên tuổi được lập: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Từ Phát, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Hưng, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai, Hữu Thung, Nguyễn Đắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh,, Vũ Bão, Tử Phác, Cao Xuân Huy, Đỗ Đức Dục, Quang Dũng….

Vẫn là nụ cười thường lệ trên cặp môi héo hắt của ông Đang, vẫn là vẻ mặt ủ dột buồn thiu… khi ông nhắc tới những số phận con người trên "… Lột bộ áo "Nhân Văn Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy cả một ổ phản động, toàn những gián điệp mật thám, lưu manh, Tơrotkit, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong "tổ quỷ" với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm" (Trang 9 SĐD)

"Trong cái công ty phản động "Nhân Văn Giai Phẩm" thật đủ các loại biệt tính: Từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp, đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn Tơrokit Trương Tửu, Trần Đức Thảo, đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ…" (Trang 17 sđd NXB Văn Hóa 1958)

"Trận chiến đấu chống bọn phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm đã kết thúc bằng hội nghị của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam họp lần thứ ba vào ngày 4/6/1958 với báo cáo tổng kết của Tố Hữu, và nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam lên án Nhân Văn Giai Phẩm (ngày 5/4/1958) tại Hà Nội. Hơn 800 văn nghệ sĩ thảo bàn nghị quyết…

Sau đó từ ngày 21/6 đến 3/7/1958 lần lượt các Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn thi nhau thi hành biện pháp kỷ luật đối với các thành viên của Hội có chân trong Nhân Văn Giai Phẩm

Hội Nhà văn khai trừ Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh ra khỏi Ban Chấp hành. Hội Mỹ thuật cảnh cáo Sĩ Ngọc và chấp nhận Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng ra khỏi Ban Chấp hành. Hội Nhạc sĩ chấp nhận Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi Ban Chấp hành, và cả ba hội nghị quyết định khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An, Lê Đạt ra khỏi Hội Nhà văn, Từ Phát, Đặng Đình Hưng ra khỏi Hội Nhạc sỹ. (Trích từ "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận" cuốn sách dày 370 trang do NXB Sự thật in 1959).

Chủ nhà đã bưng mâm cơm từ nhà ngang lên. Hôm nay có cá nấu dấm rượu ăn ghém cây chuối non thái mỏng trộn kinh giới, dậu dách. Vừa đặt mâm cơm xuống, ông Đoàn hỏi:

- Quả là hợp khẩu vị anh em mình. Bà ấy thấy vui chuyện mà không có gì đãi bác quả không phải, mới bảo thằng bé lén thả vó xuống ao. Bà xắn quần, cầm khau vảy lội quanh bờ khoai té nước. Được mấy con mè ranh, thôi thì "cây nhà lá vườn", có thế nào dùng thế ấy.

Ông Đang nói:

Cái gốc của người lãnh đạo phải có học, nếu không có sẽ trở thành kẻ duy ý chí, thực hiện nghị quyết một cách ngu tín. Trên bảo chửi Liên Xô là "xét lại", mở miệng ra chửi "xét lại". Đến lúc bảo chống "Bành trướng" là lao đầu vào chửi ba đời người hàng xóm lên. Hỏi như thế ai chịu nổi?

Người ta thi nhau buộc tội cho những kẻ có "ảo tưởng" hòa bình. Tư tưởng yêu hòa bình là đi theo bọn xét lại. Có những người cuồng tín hăng máu, nhiều khi họp hội nghị ngồi bàn dưới chồm lên bàn trên hét:

- "Oánh" bỏ mẹ bọn xét lại đi! Bọn xét lại đầu hàng Mỹ. Ta ủng hộ Anbani vì nước đó kiên cường chống xét lại.

Ông Đoàn nghe ông Đang nói trong lòng hồi tưởng lại chuyện xưa: Hồi đó áo ông còn thơm mùi thuốc súng, ông cũng là anh bộ đội "Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ / Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Có lần nghe cấp trên nói lại lời ông Duẩn: "Nếu Mỹ đánh ta bằng chiến tranh đặc biệt, ta sẽ thắng nó trong chiến tranh đặc biệt, còn nếu nó đánh ta bằng chiến tranh cục bộ ta sẽ thắng nó trong chiến tranh cục bộ". Còn ông Kôsơgin Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang thăm Việt Nam đầu năm 1965 thì phát biểu: "Nếu Việt Nam chủ trương đánh thì Liên Xô ủng hộ Việt Nam đánh. Nếu Việt Nam chủ trương đàm thì Liên Xô ủng hộ Việt Nam đàm”. Nói như vậy Liên Xô đã trông thấy hai khả năng "đàm, đánh" để giải quyết vấn đề Việt Nam.

Mặt trận chính trị giữa nguyên thủ các quốc gia đôi lúc có ý kiến khác nhau cũng là lẽ thường tình, để khẳng định được đúng hay sai cần có thời gian. Lịch sử sẽ rất công bằng và sòng phẳng trong việc đánh giá các vấn đề chính trị xã hội.

Nhân Văn Giai Phẩm nêu ra bao cái ấm ức chất chứa trong lòng anh em trí thức văn nghệ sỹ hàng chục năm chưa được nói ra. Đó là vấn đề khác nhau trong "dân chủ tự do". Có người ví nó: "Như cục máu đọng trong cổ không tan ra được". Nếu anh em được nói thẳng, nói thật, nói hết thì làm gì thi thoảng có "vụ" này "vụ" nọ nổ ra như một trái bom.

Khi có cuộc phê bình công khai nổi lên, mỗi người "hăng lên" một tý, lãnh đạo đã vội vàng giơ tay can: "ấy chớ! Làm vậy có hại cho đoàn kết, địch nó lợi dụng xuyên tạc" thế là phong trào sụp xuống, anh em lèn cái ấm ức vào trong bụng. Lãnh đạo không nhìn thấy sự thực nữa và sẽ xa rời quần chúng.

Tất nhiên trong phê bình không thể nào tránh được những cái lệch lạc. Muốn nhận định đúng việc gì phải nhìn vào cái ý nghĩa căn bản, cái thực chất của nó. Nguyên nhân vì đâu? Quá trình thế nào? Hiện tượng ra sao và cách xử lý thế nào cho đúng.

Già Đang đã đứng dậy đi ra vại nước rửa miệng, người hơi cúi xuống múc nước nói:

- Sướng thật, ăn bữa rau sống thật mát ruột, ăn như cô gái ăn khế chua lúc ốm nghén, rồi lại lê bước vào trong nhà ngồi xuống cạnh giường nâng chén chè nóng.

Ngoài trời như đã tối, những ngọn cây màu sâm sẫm cứ quấn lấy nhau không bỏ được. Con gà mái đẻ lại "gại mỏ" cửa bếp. Ông Đoàn nói đùa:

- Nó "gại" bác kể tiếp cho tôi nghe cái mâu thuẫn giữa lãnh đạo nhà nước và cánh văn nghệ ấy…

Già Đang vặn lại ông Đoàn: Sao lại là mâu thuẫn. Đấy là dấu hiệu của sự "khủng hoảng trưởng thành", "khủng hoảng" ta phải tìm cách giải quyết nó để đi đến trưởng thành. Những cuộc phê nhau "nảy lửa" trong các lớp học văn nghệ, có những bài viết vẻ "táo bạo" để ta thấy bấy lâu nay đều nói lên cái "khủng khoảng trưởng thành" ấy.

Phê bình công khai là công tác cách mạng. Nó là phương tiện giáo dục quần chúng rất cần thiết, đồng thời lấy áp lực dư luận để sửa chữa cái xấu mà sự đấu tranh nội bộ trong các tổ chức Đảng và Nhà nước chưa được giải quyết. Đấu tranh phê bình, nó cũng như làm vườn phải nhặt cỏ. “Trí óc cũng là cái vườn, để lâu không chăm sóc thì cỏ mọc, cỏ mọc thì chết cây, thối hoa, tôi thấy cái vườn trí óc ấy có cây cỏ năn cỏ nác, vừa tìm cách thò tay nhổ, mong để bông hoa nở, quả cây chín. Bàn tay chưa chạm vào cỏ rác đã bị người dơ dao chặt rồi, nhát chặt không nhẹ tay đâu? Thế thì làm sao gọi là Dân chủ được”.

"Nhân Văn Giai Phẩm" đã lên tiếng "đòi dân chủ thật sự". Thế là biết bao người trí thức yêu nước chịu cái "vạ miệng". Trung Quốc thì gọi là Văn tự chi họa

Tất cả chúng tôi đều phải úp mặt quay vào tường, rồi người ta giơ roi đuôi cá sấu vụt vun vút ngang lưng, ngang mặt. Tiếng đập đen đét, vù vù trong gió người ngoài cuộc nghe khiếp đảm, rùng mình, còn chúng tôi cứ nhăn mặt để lưng tóe máu, chịu đau.

Càng về cuối ngọn roi quất càng dữ, càng nhanh, như mưa sa, bão táp. Con người chịu trận chỉ biết oằn mình, mím môi co quắp. Tiếng roi đánh "Nhân Văn Giai Phẩm" thời đó người ta có cảm tưởng như nghe thấy tiếng roi ở sân đua ngựa thời cổ. Họ quy cho nhóm "Nhân Văn Giai Phẩm" sáu tội theo lối "bịt miệng, chụp mũ":

1, Cho chủ nghĩa Cộng sản "Không nhân văn"

2, Phản đối chuyên chính (đòi dân chủ tự do trên mọi mặt)

3, Chống sùng bái cá nhân

4, Đề cao chủ nghĩa quốc gia tư sản

5, Chống Cải cách ruộng đất.

6, Nhân Văn Giai Phẩm chủ trương phát triển "trăm hoa đua nở", nêu cao khẩu hiệu trả lại văn nghệ cho văn nghệ sỹ. Nhược bằng bắt mọi người viết theo một lối, đến một ngày kia hàng trăm thứ hoa đều nở ra "cúc vạn thọ".

Già Đang nhăn nhó, biết rằng nhắc lại chuyện xưa chỉ làm mình khổ sở, giọng ông lúc này nghe èo uột, chán phèo. Nhưng tự trong thâm tâm ông cũng không dối được lòng mình còn muốn nói, muốn khạc ra cái cục máu u uất trong lòng.

Ông hít một hơi thuốc lá rẻ tiền từ tay ông Đoàn đưa sang, khi vừa bập đôi môi, đã bị ho sặc sụa, ho chảy cả nước mắt nước mũi, ho lộn ruột lộn gan. Tưởng như khạc ra được cục máu, ông ôm lấy ngực sợ hãi điều gì. Sợ lắm! Mặt ông xanh xám lại, mơ màng, lúc đó ông nghĩ đến bệnh ho lao…

Ông rón rén đi lại chỗ ông Đoàn nói như khóc lời của RFI đã nhận xét:

- “Những thành viên của nhóm "Nhân Văn Giai Phẩm" nhiều người đã khuất, và thế hệ ngày nay ít ai biết rõ về con người cuộc sống của họ - Nhưng ký ức văn học may mắn là không bị thời gian vùi lấp. Nhờ đó mà số phận tác giả dù có trải bao đoạn trường, nhưng tác phẩm họ vẫn được tỏa sáng, sống trong lòng nhân dân. Người đời nhất định lại đọc, lại viết về họ.

Không ai có thể nhìn thấy một tổ chức thứ hai giống như tổ chức "Nhân Văn Giai Phẩm" này đâu.

Cứ nhắc đến cái tên của họ nhiều người đã khiếp nhược rồi thì lấy dũng khí đâu dám bước vào nhà họ ở, mà đã không bước vào nhà thì sao thấy đời một con người oan khuất”.

Già nói như khóc : - Có người gọi tôi là "quân sư quạt mo", còn Thụy An là "con phù thủy xảo quyệt", oan cho bà ấy quá. Khổ cho bà ấy quá! Trong vụ án này, bà được nêu tên hàng đầu, cùng bản cáo trạng nặng nề độc ác nhất.

Vậy Thụy An là ai? Tên thật của bà là Lưu Thị Yến. Một Nhà văn phụ nữ đi tiên phong với cuốn tiểu thuyết "Một linh hồn". Thụy An công tác ở báo Phụ nữ Tân văn, và là Chủ nhiệm báo "Đàn bà mới" ở Sài Gòn và Hà Nội, là phóng viên chiến tranh đã tham dự nhiều cuộc nhảy dù ra mặt trận để cung cấp tài iệu cho báo chí. Bà đã giữ chức Giám đốc Việt Tấn Xã. Cuối 1953 liên lạc với Hồ Hữu Tường cổ động cho báo Đông Phương.

Nhà Phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận định trong tờ "Nhà văn hiện đại" như sau: "Một Linh hồn" chính là một tiểu thuyết tình cảm, tác giả Thụy An vốn là Nhà thơ. Hàn Mạc Tử đã đem vào thi ca Việt Nam lòng tin tưởng ở đạo Giatô với giọng say sưa đầm ấm. Thụy An xây dựng cho cuốn tiểu thuyết của bà có những nhân vật tin cậy ở đấng cứu thế, ở Đức Mẹ đồng trinh và lòng nhịn nhục hy sinh…" Vũ Ngọc Phan kết luận "Một linh hồn" là cuốn tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước tới nay. Tác giả giầu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng chắc chắn.

Già Đang đã cảm thấy điều gì mỏng manh nên từng khuyên bà không lộ mặt trên báo. Tuy vậy tập tài liệu của nhà xuất bản Sự Thật có nói đến hai bài viết của bà tựa đề "Bích xu va" và "Trường hợp tòng quân của Thiếu úy Lâm". sau này người ta gặp một người đàn bà luống tuổi mặc áo sọc, mắt bị mù đầu tóc rũ rượi lang thang trong buồng giam đó chính là Thụy An. Bà đã tự chọc mắt mình cho mù hẳn để không nhìn thấy cảnh đời.

Ông Mười Hương nguyên Trưởng ban nội chính Trung ương, Thường trực ban Bí thư Trung ương phát biểu ở hội nghị sáng tác đề tài An ninh tại Đà Lạt có nói về sự oan khuất của số người trong đó có Nguyễn Hữu Đang vào ngày 28/3/2009. Cụ biết tôi là người đang tìm hiểu và viết về Nguyễn Hữu Đang nên chiều 28/3 và cả ngày 29/3 tôi được làm việc trực tiếp với cụ ở phòng 103 nhà nghỉ Minh Tâm - Đà Lạt của Bộ Công an để nghe cụ nói về Thụy An.

Cụ nói: Sau giải phóng tôi từ Miền Nam ra (1975-1976 gì đó). Tôi nhận được thư của anh Đang viết cho tôi mấy chữ: “Tao rất khổ. Không biết chết ở đâu? Chôn ở đâu? Thế là tôi lao về Thái Bình gặp Nguyễn Hữu Đang. Tôi về buổi sáng. Đang ốm mệt! Hôm đó tôi hỏi:

- Tại sao mày lại có “chuyện” với bà Thuỵ An? Tao tin mày không có chuyện lăng nhăng ấy? Những năm tháng tao biết mày, mỗi lần đi nông thôn về Hà Nội tao lại tìm đến ăn ở với mày (72 Hàng Quạt) tính nết, đạo đức mày, không có chuyện ấy... Nhất định là như thế.

Nguyễn Hữu Đang trả lời:

- Tao có quan hệ gì với Thuỵ An đâu? Thằng Hoàng Cầm, Phùng Quán đưa tao đến nhà bà uống cà phê. Bà pha cà phê ngon lắm! Hàng ngày các bố kéo nhau đến tụ tập uống ở đấy, ăn nói “bốc phét” lên với nhau cho sướng cái mồm. Chẳng biết thế nào Công an, họ biết, họ qui chụp và bị bắt tất cả.

Đang khẽ trở mình nói tiếp :

-Tại mày đi Nam. Có lẽ không ai nói được với Đảng. Nếu mày ở ngoài này, tao không hề gì. (Cụ Hương cười) rồi Đang cũng cười nói xí xoá: “Chuyện đã qua rồi, bỏ đi không nói nữa”.

Cụ Hương vẫn hỏi tiếp ông Đang: - Mày nói cái vụ án Nhân Văn, cho tao nghe, và bà Thuỵ An bị mù bởi lẽ gì?

- Hôm ra Toà Hà Nội. Sau khi kết thúc xét xử, lúc họ giải phạm nhân ra xe, bà Thuỵ An đi cạnh tao có nói: “Ông Đang! Tôi có tội với ông ! Vì người ta ép tôi quá! Khai bậy bạ cho ông. Tôi đau lòng lắm. Rồi bà rút bút tự chọc vào mắt mình ... Chuyện chỉ có thế. Tao không biết thêm gì về bà, sau khi đi tù? Tao chỉ biết gia đình bà ở Hoà Xá ,Vân Đình, Hà Đông. Đây là một gia đình nhà nho có tiếng đất ấy. Bà học hết “Đíplôme” còn chuyện vụ án Nhân Văn Đang lờ đi không đếm xỉa gì đến.

Để kiểm chứng việc ấy. Sau này ông Mười Hương có đi tìm em trai bà Thuỵ An ở Sài Gòn. Vợ ông em bà An biết ông Hương là con cụ Trí Văn nên đồng ý cho chồng gặp. Cậu này học hết tú tài trường Gia Long Hà Nội. Anh ta nói : “Đúng chị tôi tự chọc vào mắt mình cho đui hôm bị xử ở Toà án Hà Nội... Chuyện cũng chỉ đến đó, anh ta không nói nữa. Còn điều tôi (TQH) nói với anh hôm nay, chắc chắn Đang không thể là gián điệp được vì nếu làm gián điệp chỉ điểm cho Pháp nhất định anh Trường Chinh và bao đồng chí Trung ương đều phải vào tù. Bởi anh Đang mới biết tất cả nơi ở của các đồng chí Trung ương Đảng.

Ba Giáo sư có tên tuổi là Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh có tham gia phong trào "Nhân Văn Giai Phẩm" với Đang đều bị cách chức, quản thúc gần như suốt đời họ.

Trương Tửu tuyên bố: "Văn nghệ không nên làm chính trị để giữ độc lập của trí thức" và đề cao Vũ Trọng Phụng, nói rằng không có Đảng lãnh đạo Nhà văn vẫn viết được những tác phẩm có giá trị…"

Trần Đức Thảo nổi tiếng về tài học, đỗ đầu vào trường Normale Superieur ở Pháp 1936 Thạc sỹ Triết học với luận án “Phương pháp hiện tượng luận Hussrt”. Lúc ấy Trần Đức Thảo gần như trở thành tâm điểm của báo chí Pháp cũng như Đông Dương, và được xem là một tài năng triết học thiên bẩm.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, cách mạng Tháng Tám thành công trong cuộc họp báo ở Pari một nhà báo đặt ra cho ông một câu hỏi có tính chất tối hậu thư rằng: "Quân đội viễn chinh Lécleer sắp đổ bộ vào Đông Dương. Thế thì Việt Nam sẽ đón tiếp như thế nào". Ông Thảo trả lời: "Bằng tiếng súng". Cũng chính vì câu trả lời này ngay lập tức ông bị bắt giam và nhốt tại nhà tù Laprisonde lasantes 2 tháng với tội danh "Xâm phạm an ninh nước Pháp" trong lãnh thổ chủ quyền của nước Pháp.

Ra tù, ông đến gặp Giáo sư Emille Brehier hướng dẫn luận án cho ông. Vị Giáo sư này cúi gằm mặt xuống, vung tay chỉ ra cửa thét: "Nếu ông không yêu nước Pháp, thì ông về nước ông…". Sau hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ tìm gặp đề nghị Trần Đức Thảo về nước phục vụ cách mạng. 1952 Triết gia đã từ bỏ vinh quang, tiền bạc, tiện nghi và phương tiện nghiên cứu học thuật theo con đường Pari - London - Praha - Makva - Bắc Kinh - Việt Bắc để cùng ăn rau tàu bay chấm muối, cùng run những cơn sốt rét rừng… (theo Hành trình cuối cùng của vị Triết gia - Phùng Quán).

Năm 1952 ông về Việt Bắc, đến 1956 tham gia phong trào "Nhân Văn Giai Phẩm" với hai bài viết quan trọng "Nội dung xã hội và hình thức tự do" đăng trong Giai phẩm mùa đông tập 1. "Nỗ lực phát triển tự do dân chủ" đăng ở Nhân Văn số 3 tháng 10/1956. Ông viết: "…. Cái tự do mà họ (tức là người lao động trí thức và chân tay) muốn phát triển tự do của toàn dân phê bình lãnh đạo. Cái tự do đó là quyền của công dân được hoàn toàn công nhận và bảo đảm trong chế độ chúng ta. Tự do không phải là cái gì có thể ban ơn… Người trí thức hoạt động văn hóa cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời là nhiệm vụ số một của người trí thức cũng như của toàn dân".

Ông không được ở lại giảng dạy ở trường Đại học nữa. Theo Nhà văn Nguyễn Đình Thi viết trên báo Đại Đoàn Kết 1993 như sau: "Hà Nội bước vào chiến tranh ác liệt, anh vẫn lụi hụi sống một mình trong căn hộ của anh tầng 3 B6 khu tập thể Kim Liên. Mỗi lần gặp anh, tôi thấy Nhà Triết học uyên bác vẫn luôn như ngơ ngác trong các việc đời. Sức khỏe anh giảm sút, anh phàn nàn vì đau gan, vì quá thiếu sách báo và tư liệu về những phát hiện khoa học mới trên thế giới. Hình như sau lời phàn nàn ấy, đang có hồi còi báo động… Anh tìm tôi đưa một tập bản thảo đánh máy bằng tiếng Pháp, hẹn gặp lại để trao đổi ý kiến. Tôi đọc trang đánh máy giữa hồi còi báo động. Tiếng máy bay, tiếng súng rung chuyển Hà Nội không kể ngày đêm. Thế mà Trần Đức Thảo vẫn ngồi viết về cử chỉ trỏ tay của đứa bé và nhận xét: "Khi đứa bé biết trỏ tay là nó bắt đầu tự phân biệt nó với thế giới bên ngoài”. Tôi thầm nghĩ một điều tưởng như hiển nhiên trước mắt nhưng từ lâu nay có ai nghĩ ra. Tôi thấy Trần Đức Thảo đã vượt qua sự tranh cãi với cái học thuyết muốn hạ thấp và phủ nhận phần ánh sáng trong con người, trên đường mà triết học Mác đã mở ra, anh đã tự suy nghĩ quan sát và đi tới những phát hiện riêng của anh để tìm hiểu sự hình thành ý thức từ đứa bé còn chưa biết nói…

… Người lữ hành vất vả ấy đã tìm thấy cái hướng của công việc của anh trên con đường không giới hạn của sự hiểu biết, anh đang bước khó nhọc và không nản. Hình như qua khu vực này, khu vực khác, anh đang muốn đi tới một cái nhìn bao quát và cốt lõi sự hình thành con người…

Nghe tin anh sang công tác ở Pháp và mất ở Pari, người lữ hành đã đi xa mãi…"

Sau khi ông Thảo nằm xuống, người đời có nói nhiều về "triết gia" ấy đã bảo vệ một cách đúng đắn toàn vẹn vô song về chủ nghĩa Mác.

Để hiểu thêm về triết gia, nhân đọc bài viết "Để quy tụ tài năng trí thức văn nghệ sĩ" của Hồ Sĩ Vịnh in trên Văn nghệ số 26 ngày 28/6/2008 có đoạn: "… Hà Xuân Trường viết những lời tôn vinh tài năng kiệt xuất của nhà triết học Trần Đức Thảo "Người tư duy không biết mệt" ông đánh giá cao tri thức uyên bác của nhà Mác xít chân chính, trong đó có vấn đề "con người" nhằm bảo vệ chất nhân văn của chủ nghĩa Mác…"

Người luôn ăn mặc như người dân thấp nhất, có lúc ngủ không trải chiếu, đi không ngồi xe, thân hành mang vác gạo thóc, củi lửa trên vai để chia khó nhọc cùng nhân dân đi theo kháng chiến. Triết gia đã hóa thành tro bụi nơi đất khách quê người (Pháp) về tới Hà Nội vì không gia đình, vợ con, không cơ quan nào trước đây Triết gia đã từng công tác và giảng dạy nhận ông về. Và ông phải ở dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ 125 đường Phùng Hưng năm mươi ngày đêm để được xem xét có được đưa về Văn Điển hay Mai Dịch. Thực ra lúc sống ông có đòi hỏi gì đâu mà lúc chết trong cái bình tro kia còn tính toán hơn hay kém. Ông chỉ lo sao đừng tốn kém tiền của nhân dân. Ông là người như thế mà người đời bạc miệng buộc tội cho ông cùng bọn Tờrotkít chống Đảng.

Trần Dần bị kiểm thảo nặng, bị bắt giam vào Hỏa Lò, ông lấy dao cứa cổ tự vẫn nhưng không chết. Từ Phát vì cái tội cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt chủ trương phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu vì thế ông và bao thân phận người trí thức khác rơi vào những thảm cảnh dở chết dở sống.

Lê Đạt chủ trương đổi mới tư duy văn học, được Tố Hữu gán cho cái biệt danh "Cái thùng sắt tây Lê Đạt". 1967 hết thời gian lao động trở về Hà Nội. Ông “nói khó” với Hội xin tấm thẻ đọc ở Thư viện Khoa học Xã hội... Những năm đó, Thư viện vừa nhận được của Hội Việt Kiều Pháp một loạt sách về những năm 50 của nước Pháp. Lê Đạt đắm mình trong kho tàng đó. Một năm ông giành 5 tháng dịch đủ các thứ tài liệu: Văn học - Mỹ học - Triết học - Dân tộc học ... Bảy tháng còn lại trong năm, ông ngồi thư viện từ sáng đến trưa, từ chiều đến 9 giờ tối. Khi thư viện đóng cửa mới mò về nhà ăn cơm nguội. Hôm sau lại tiếp tục với 10 giờ “vàng ngọc”...

Hồi ấy, do một trùng hợp ngẫu nhiên. Trần Đức Thảo - Trần Dần cùng đến thư viện nghiên cứu. Đọc mệt, mấy anh rủ nhau đi uống nước. Cái công việc bình thường ấy không lọt qua được con mắt cảnh giác của ông giám đốc Thư viện KHXH (là một thiếu tá chuyển ngành) hẳn ông nghĩ bọn chúng “tập họp” ở đây để bàn chuyện bậy bạ vì toàn thấy đọc sách Tây.

Và một hôm cô thư viện trả lại phiếu mượn sách của ông Lê Đạt, nét mặt hết sức buồn phiền “Ban giám đốc chỉ thị từ nay anh chỉ được đọc sách Tiếng Việt...” (Tư liệu trong cuốn “Những gương mặt, những trang đời” - NXB TB của Vân Long). Thơ ông có những lời tiên tri đáng nể: "Lịch sử muôn đời duyệt lại/ Không ai lừa được cuộc đời".

Người ta ai quên được Phan Khôi, bút hiệu là Chương Dân, một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời đó cùng thời với Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh. Ông là cháu ngoại Hoàng Diệu, ông hoạt động trong phong trào Văn thân với Huỳnh Thúc Kháng và bị Pháp bắt. Là nhà Hán học, lý luận khúc chiết đanh thép theo phương pháp Tây phương. Những bài bút chiến của Phan Khôi với Hải Triều gây không khí sôi nổi trong văn đàn. Khó người nào xứng đáng hơn Phan Khôi về kiến thức cũng như về tài năng trong vai trò ngự sử văn đàn.

Trong số những người bị tù đày, ở đây phải kể đến một ông "bầu" đặc biệt là Trần Thiếu Bảo, xuất thân từ một gia đình giầu có ở Thái Bình,1954 dời lên phố Phan Bội Châu, Hà Nội mở hiệu sách Minh Đức, sau trở thành nhà in Minh Đức. Ông là Mạnh Thường Quân của văn nghệ sĩ.

Trần Thiếu Bảo cùng với Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu tổ chức lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng, ông dùng quyền nhà xuất bản khai thác vốn cổ đông để tái bản những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như "Tiêu sơn tráng sỹ". Nhà xuất bản Minh Đức cũng là trụ sở các cuộc họp báo Nhân Văn, in Giai phẩm Đất mới. Ông Trần Thiếu Bảo đã xuất tiền bạc giúp đỡ phương tiện in ấn phát hành cho nhóm "Nhân Văn Giai Phẩm". Vì sao Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo đã tổ chức kỉ niệm và đề cao nhà văn Vũ Trọng Phụng ...

Ta hãy đọc lại đoạn “bút ký” đăng trên báo Tao Đàn tháng 12/1939 của nhà văn Thanh Châu cảm nghĩ khi đi đưa đám tang nhà văn Vũ Trọng Phụng.

“...... Trên con đường này, mới trong vòng 4 tháng chúng tôi đã đưa tiễn hai người về nơi yên nghỉ cuối cùng. Hai thiên tài lỗi lạc để lại nhiều cho đất nước. Ngày 7/6/1939 Tản Đà chết giữa cảnh nghèo, ngày 13/10/1939 Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh phổi. Cái đám người còn lại sống vì cây bút đi cạnh tôi hôm nay thưa thớt quá và không mấy ai khoẻ...”

Ngày 15/12/1956 UB Hành chính Hà Nội đã ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn (số 6 không được in và phát hành).

Người đọc ngày nay vẫn tò mò về "Nhân Văn Giai Phẩm", sự kiện diễn biến ra sao? Sao chỉ có dăm ba bài báo mà tội trạng và bản án nặng nề đến thế?

Còn như ông Mười Hương, Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ hồi còn tại chức đã đến nhà anh Nguyễn Hà, cháu ông Đang tầng 3 khu tập thể Nghĩa Đô thăm cụ Đang (quãng năm 2002 - 2003) có nói: "Hôm nào tôi sẽ đến thăm bác một lần nữa để bác nói cho tôi biết thế nào là Nhân Văn Giai Phẩm. Đến vị Trưởng Ban bảo vệ Trung ương còn chưa rõ Nhân Văn Giai Phẩm thì chắc mấy ai hiểu được oan khuất của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Ông Đoàn nói:

- Bác ngủ lại đây với em một đêm.

Nhưng già Đang như vừa thiếp đi không trả lời. Ông nắm lấy vai ông Đang lay đi lay lại. Già Đang mở mắt, ngơ ngác.

- Thế là bác không làm sao cả. Bác làm em hết cả hồn. Lúc bác nhắm nghiền mắt, em cứ lo lo là… Bụng bảo dạ… Hay là… hay là… Bác mà làm sao thì em sẽ ra sao?

Già Đang đã tỉnh hẳn, uống một chén nước nóng. Sức khỏe trở lại bình thường.

Trời đã tối hẳn, bóng đen bao trùm tất cả, rồi lại đổ một trận mưa mau. Mưa mau và cũng tạnh mau, bóng tối tan nhanh trả lại trăng sao cho bầu trời làng quê. Ông Đang khẽ ngả lưng xuống tấm phản mà ông Đoàn đã mắc sẵn ở đó cái màn như vó túm.

Trong nhà lúc này yên ắng, nghe thấy cả tiếng thở nhẹ. Sau câu chuyện hồi hôm chắc làm ông đau đớn. Chủ nhà với tay lấy cái quạt mo với động tác thật nhẹ nhàng khẽ khàng phẩy gió sang chỗ ông Đang nằm. Tâm trạng của hai kẻ sĩ giàu tình cảm đi qua câu chuyện, đều có nỗi lòng.

Ông Đoàn khẽ nói: "Nghe chuyện bác kể, làm hai anh em đều khổ cả. Tại trời, tại đất, hay tại người hả bác?". Già Đang không trả lời, quay lại chuyện cũ:

- Lúc nãy anh có hỏi tôi ai là tác giả dập tắt "Nhân Văn Giai Phẩm". Người đời hay nhìn vào một vài hiện tượng bên ngoài bảo Tố Hữu. Quy cho ông ta như thế, cũng có phần chưa đúng. Hơi "oan" đấy. Longue Marche mới là tác giả.

Văn Cao nói : “Cần phải nói công bằng, Tố Hữu không ưa mình thật, do lòng đố kỵ mà ra. Mình cũng ghét cái thằng bắng nhắng ấy lắm. Nhưng có thế nào nói thế ấy. Tố Hữu chỉ là kẻ thừa hành thôi. Nói gì thì nói, trong lòng Tố Hữu vẫn còn một chút gì của "Nhà thơ". Bề ngoài thì thế đấy. Tố Hữu lãnh đạo cuộc đánh từ đầu chí cuối. Người ta tưởng vụ Nhân Văn Giai Phẩm nổ ra là bởi báo Nhân Văn đăng mấy bài phê bình thơ Tố Hữu. Tố Hữu tức, Tố Hữu đánh. Nhầm hết. Longue Marche(1) mới là kẻ sáng tác ra Nhân Văn Giai Phẩm. Để chạy tội Cải cách ruộng đất, để tạo ra cái hố rác mà trút mọi sự tội lỗi của "Lúy"(2) vào đấy. Chính Longue Marche chứ không ai khác”.

Đừng tước bản quyền của Lúy, tội nghiệp. Longue Marche còn cho mời mình và Nguyễn Tuân đến gặp. “Lúy” nói cả tiếng đồng hồ về Đảng tính, về trách nhiệm Đảng viên. Chiêu hồi mà. Nguyễn Tuân nghe, mặt hất lên, ngáp không cần che miệng. Nguyễn Tuân vẫn thế, bất cần đời. Đôi lúc cũng có hèn một tý, hèn có mức độ thôi. Trong đại đa số trường hợp này là kẻ bất chấp. Mình nói với Longue Marche: "Nếu trong vườn hồng có sâu thì phải chịu khó bắt nó bằng tay, từng con một. Đổ ụp cả đống thuốc trừ sâu vào đấy thì chết cả vườn hồng. Rồi anh thấy: Qua đợt đánh phá này không biết bao giờ nền văn nghệ Việt Nam mới ngóc đầu lên được.

Già Đang vén màn chui ra, đứng ngoài sân ngắm bầu trời sau mưa. Hình như ông muốn trò chuyện với trăng sao, với cây lá ngoài vườn. Ông Đoàn thấy khách ra sân, cũng dậy theo, khẽ vặn ngọn đèn Hoa Kỳ to lên một chút đủ sáng soi rõ mọi đồ vật trong nhà.

Thấy ông Đoàn kéo cái bình tích, già Đang nói với vào:

- Anh cho tôi một chén thật nóng… Thế là anh phá vỡ cuộc sống của tôi rồi. Lâu nay tôi đã muốn chôn tất cả mọi chuyện. Hôm nay anh bắt tôi đào xới đến tận gan ruột con người đã nằm dưới mộ để cái thân tàn tạ này được đánh nhau với bóng ma của quá khứ. Mà bóng ma thì khó túm cổ được hắn, lúc nó hiện hình là người, lúc biến thành quỷ. - Ông nói tiếp giọng hồ hởi: Hồi mình sống ở trong tù, nó như nhà tu kín. Họ đã lấy đi tiếng nói của con người biến con người thành vật vô tri vô giác chỉ biết câm lặng đi lại thì cúi đầu. Người ta chỉ chú ý đến tiếng kẻng của nhà tù báo giờ ăn, giờ ngủ, giờ đi lao động. Ngoài ra không có bất cứ tiếng vọng nào từ bên ngoài vào nhà tù. Nếu ai làm trái những quy định ấy thì hình phạt đổ xuống như mưa. Thế mà một lần (NHĐ) đã phạm phải đó là một buổi sớm tự nhiên có tiếng con chim sáo hót tiếng nó lọt vào tận cùng nơi hang đá. Tiếng chim hót làm Đang xao xuyến đứng lặng như phỗng đá không nghe thấy tiếng kẻng đi lao động. Bất thần tôi bị cú đấm vào sau gáy, và người ta chộp ngực tôi lôi đi ... Thường những người tù chết không nhắm mắt được vì oan khuất, trước khi chết họ đều trao cho Đang một ánh mắt tin cậy - "Hãy chiến đấu". Bản chất của công lý không bao giờ được cực đoan, cái cần tiêu diệt thì phải tiêu diệt, cái cần soi sáng thì phải soi sáng.

Lần ấy Trường Chinh đã đến thăm Đang, "Lúy" hỏi:

- Anh có đề xuất gì với Đảng không?

Tôi thản nhiên trả lời:

- Không đề xuất gì cả. Mong các anh thống nhất được đất nước.

Rồi ông ấy đi, chả bàn luận thêm được điều gì, mặc dầu già này biết ông là tác giả dập tắt Nhân Văn Giai Phẩm. Ông ấy đi rồi, già đi xuống nhà bếp, thấy ba xuất cơm không có người nhận. Thế là thêm ba thằng chết ở đây. Cái thằng chết trẻ còn nhiều hứa hẹn, nó lấy đi của bàu bạn bao nhiêu nước mắt. Sao chết những con người tài thế. Than ôi, tài sắc con người cũng chỉ có một thời thôi. Có con tằm nào nhả mãi được tơ? Đời ngắn lắm thì phải. Khi hắn chết rồi, tay tôi cầm miếng cháy đút lên mồm mà không dám nhai. Còi điểm danh mỗi buổi sáng nổi lên, chúng tôi bảo nhau đứng dồn lại để hàng ngũ đỡ trống trải, để bớt cô đơn. Để những con người còm cõi, ốm yếu dựa dẫm vào nhau, nhận lấy cái hơi thở của nhau. Nhìn kỹ miếng vá sau vai, ngửi lấy cái mùi mồ hôi riêng của bạn. Biết đâu cái thằng đứng trước mình ngày mai lại đã xa vời… và mãi mãi nằm yên dưới mộ xanh trên cỏ.

Lắm lúc tôi buồn về con người ta lắm. Có kẻ sống chẳng đoàng hoàng chút nào, mới hôm qua còn là bạn, nay có thằng mắc nạn, họ không đến gỡ hộ cái lưới trời oan khiên chụp xuống thì chớ. Họ còn tổ chức "đánh hôi", đánh tới tấp, đánh trước mặt, đạp sau lưng.

Họ cũng như con chó của đạo "chích" cắn đức Khổng Tử "Vì nó bênh chủ, mà không biết ai là bậc thánh nhân"

Mùa thu, vào lúc tang tảng sáng, màn đêm tan hết rồi càng gợi thêm sự mệt mỏi trong nỗi lòng của hai ông già. Hai ông già đều có chút hoài bão riêng đời mình…

Hai ông đều ảnh hưởng ít nhiều về Nho học, và trong cái làng mặc áo the thâm, quần lá tọa cũng dễ cực đoan lắm. Cứ xem các cụ đồ xưa thì biết, hay cũng vô cùng, dở cũng vô cùng. Hai cái cực hay và cực dở nó ám vào mỗi con người. Nhưng có điều, dù hoàn cảnh xấu xa đến đâu, phức tạp biết mấy, các cụ vẫn giữ nhân cách, các cụ bằng lòng với thanh bần. Có cụ đi theo đường chính trị, mang sách kiếm đến Trường An thờ phụng một trường phái tư tưởng. Có người vì cái "cực đoan" ấy họ sống nghiệt ngã cho xích tay đồng chí mình đưa vào Hỏa Lò.

Thì ra cái "bả vinh hoa" làm mờ mịt lòng họ. Con người ta ở mỗi một hoàn cảnh mỗi địa vị thay đổi tâm tính cách kỳ lạ. Người ta vẫn thích quyền lực trong đời hơn, khi có nó thì khó tự chủ được tâm hồn. Mấy ai chống chọi được hoàn cảnh. Người đời đáng trọng, nhưng cũng có kẻ đáng khinh, trọng ở điều "thiện", khinh ở điều "ác". Và trong lòng người bao giờ cũng có hai ông thần như ở hai bên chùa có một ông cầm gươm, một ông cầm bút.

Ánh sáng hoàng kim làm lóa mắt họ, họ không còn nhận ra đâu là bạn hữu và gây cho nhau không biết bao thảm kịch ở đời.

Ông Đoàn khẽ ngâm:

"Nhân sinh đáo xứ tri hà tự

Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê

Nê thương ngẫu nhiên lưu chỉ trảo

Hồng phi ma phục kế đông tê".

Đấy là bài thơ của Tô Đông Pha mà anh đã chép tặng em ngày 1/8/1981.

Ông Đang đầu hơi cúi xuống đế giọng ông Đoàn: "Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê", con chim ưng đạp trên tuyết còn mong để lại dấu móng vuốt, con người ta sao nhỉ?

Ông liền cầm bút ghi vào sổ ông Đoàn bài thơ không có đầu đề. Người lữ hành ấy đã viết ở trại cải tạo số 2 Tân Lập, Yên Bái mùa đông 1960, nghĩa là ông đã ở tù được 2 năm.

Đây là bài thơ ông Đang tặng Vũ Quân người bạn cũ (Vũ Quân tức là Vũ Hoàng Chương).

Vũ Hoàng Chương sinh 5/5/1915 mất 1976, là một Nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, nguyên quán làng Phù ủng, huyện Đường Hào (phủ Thượng Hồng) nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.

"Thơ ông tài hoa, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc và nhiều sắc thái Phương Đông…. Mặc dù vẫn có vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng (Hoài Thanh - Hoài Chân). Bài thơ như sau:

Ai đến "Nhân gian lạ bến bờ"

Tìm sông lưu lạc núi bơ vơ

Biết chăng sầu oán vùi tâm thức

Máu đẫm tay người ngập phím tơ

Bước chân lịch sử đi không vội

Tơ nhện sinh tồn dệt ước mơ

Ngày đêm vô vạn hành tinh vỡ

Lặng ngắt thinh không vũ trụ mờ.

Bài thơ trên cũng đượm vẻ buồn chán, bi đát, như anh phu xe ngày xưa đứng cửa tiệm hát chờ khách, đập cái càng xe xuống mặt đường, dằn vặt chửi trời chửi đất trước một xã hội mà người phu đường thấy thất vọng.

clip_image001

(1) Nghĩa đen là đường dài, nghĩa bóng ám chỉ tên nhân vật.

(2) Lui (tiếng Pháp là nó).

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)