Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Chỉ ông Trọng mới cứu được ông Chung

Ts Toán học Nguyễn Ngọc Chu
Nếu chính quyền thủ đô Hà Nội mà bội ước với cam kết của mình trước quốc dân đồng bào thì nhân dân sẽ tin tưởng vào ai? Nếu một chính quyền bội ước thì có đủ tư cách để cai trị dân không? Bốn điểm mà những kẻ ngụy biện nêu ra ở trên sẽ trở thành vô nghĩa khi chính quyền đánh mất lòng tin của nhân dân, bởi vì hậu quả là chính quyền sẽ không thể giữ được chính quyền.

clip_image001

Trong vụ Đồng Tâm, chưa thấy TBT Nguyễn Phú Trọng lên tiếng chính thức qua truyền thông nhà nước. Một vụ việc quan trọng như thế chắc chắn ông Trọng không thể bỏ qua. Điều đó có nghĩa là đã có ý kiến ngầm của ông Trọng, chỉ là ở mức độ nào mà thôi.

Nhưng ông Trọng sẽ phải can thiệp sâu hơn vào vụ Đồng Tâm. Vì đây là vấn đề tồn vong của chế độ. Điều ông Trọng đã lo lắng và không chỉ một lần nhắc đến. Trên cương vị TBT Đảng CSVN, ông Trọng không thể không nhìn thấy hậu quả của vụ Đồng Tâm.

THỎA ƯỚC ĐỒNG TÂM

Muốn bảo vệ Đảng và chế độ thì phải nhìn rõ vấn đề.

Nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề, thì Đồng Tâm là vụ nổi dậy của người dân chống lại sự cướp đoạt ruộng đất và bắt người phi pháp. Cuộc phản kháng có tính tổ chức cao. Được sự đồng lòng của toàn dân, của cả lãnh đạo tổ chức Đảng và chính quyền địa phương. Điều chưa từng có trong lịch sử lãnh đạo của Đảng CSVN, khác hẳn với vụ Thái Bình năm 1997 và vụ Làng Nhô (Làng Nhác, Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam) năm 1992.

Cũng khác hẳn với vụ Thái Bình và Làng Nhô, vụ Đồng Tâm xảy ra trong thời kỳ internet hóa toàn cầu. Đồng Tâm nhận được sự ủng hộ tức thì của nhân dân cả nước và sự theo dõi sát sao của dư luận thế giới. Vì thế, hiệu ứng Đồng Tâm vừa là sóng ngầm vừa là cuồng phong, có sức lan tỏa tức thì rất lớn, không thể so sánh với Thái Bình và Làng Nhô.

Vì tính chất đối kháng hai phía, nên cam kết ba điểm mà ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện chính quyền TP Hà Nội - đến Đồng Tâm đàm phán và ký với đồng bào Đồng Tâm, là thỏa thuận của chính quyền Hà Nội với bên nổi dậy Đồng Tâm. Do vậy, có thể gọi tương đương bằng một cách khác là Thỏa ước Đồng Tâm.

Do có Thỏa ước Đồng Tâm mà làng kháng chiến Đồng Tâm được tự nguyện dỡ bỏ, phía chính quyền Hà Nội trả những người chính quyền bắt giữ của Đồng Tâm, và phía Đồng Tâm trả những người mà Đồng Tâm bắt giữ của chính quyền Hà Nội. Xung đột hai phía được tháo gỡ.

Từ thỏa thuận của hai phía xung đột thì thấy được tính pháp lý của Thỏa ước Đồng Tâm. Rằng tôn trọng các điều khoản trong Thỏa ước Đồng Tâm là ưu tiên áp đảo, chứ không phải luật pháp của một bên ký thỏa thuận là pháp lý để phủ nhận các điều khoản đã được hai bên thỏa thuận. “Thượng tôn pháp luật” phải được đặt đúng chỗ.

Nếu không có Thỏa ước Đồng Tâm thì hai bên vẫn là đối kháng, và chắc chắn cuộc đối đầu sẽ tiếp diễn mà kết cục khó lường về tai họa. Pháp lý của một bên sẽ được “thượng tôn” khi hoàn toàn tiêu diệt bên kia.

Thỏa ước Đồng Tâm là dấu mốc đá tảng khẳng định rằng:
1. Mâu thuẫn về sở hữu đất đai đã đạt đến điểm đối kháng. Vấn đề sở hữu đất đai là vấn đề đá tảng mà Đảng CS VN phải giải quyết mà không thể né tránh.

2. Sở hữu đất đai toàn dân đã đưa đến nhiều hậu quả tai hại. Trong đó có sử dụng đất đai lãng phí không hiệu quả; Tạo cơ hội cho nhiều kẻ lợi dụng chiếm hữu đất đai; Hình thành tầng lớp chúa đất mới.

3. Tai hại thêm nữa, cơ chế quản lý đất đai hiện thời không chỉ sỉnh ra những bất công to lớn trong phân chia sở hữu đất đai, mà còn tạo cơ hội cho một số kẻ xấu bắt bớ đàn áp mọi sự phản kháng chính đáng của người dân.

Bởi thế, Thỏa ước Đồng Tâm sẽ là điểm đá tảng mà sự tôn trọng hay phá bỏ nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và chế độ.

TẠI SAO THỎA ƯỚC ĐỒNG TÂM BỊ LẬT LẠI

Khi ông Chung ký cam kết với đồng bào Đồng Tâm, nhân dân cả nước đã thở phào nhẹ nhõm. Tất cả đều cảm thấy đó là một kết thúc tốt đẹp. Dẫu ngay từ lúc đó đã có nhiều người hoài nghi và lo lắng về sự tôn trọng thỏa thuận của phía chính quyền.

Điều đó rất dễ hiểu bởi được lý giải bằng mấy nguyên nhân chính sau đây.

1. Vụ Đồng Tâm không hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Hà Nội, mà còn nằm trong quyền điều hành của Bộ Quốc phòng. Vai trò của Bộ Quốc phòng trong vụ Đồng Tâm trên thực tế lớn hơn vai trò của Hà Nội. Vụ việc ở Đồng Tâm có nguyên nhân từ Bộ Quốc phòng nhiều hơn từ Hà Nội. Bởi thế, cam kết của chính quyền Hà Nội không mấy có hiệu lực với Bộ Quốc phòng.

2. Những người đã bắt đầu khởi tố vụ Đồng Tâm sẽ tìm mọi cách để tiếp tục thực hiện, nhằm đạt được mục đích của họ, và quan trọng hơn là để biện minh rằng họ đã đúng.

3. Cơ chế quyền lực chồng chéo hiện thời, cũng như sự khiếm khuyết của pháp lý, đã cho phép một nhóm người lợi dụng để thực hiện mưu đồ riêng, cố ý đi ngược lại cam kết của UBND TP Hà Nội.

4. Tiểu xảo nghiệp vụ thanh trừng đã thành đặc tính di truyền cố hữu của cơ chế chuyên chính.

5. Thế lực đối kháng với ông Nguyễn Đức Chung.

ĐỪNG NHẦM LẪN VỀ “THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT”

Có một số người (trong đó có cả luật sư) nhầm lẫn cho rằng, bất chấp cam kết của chính quyền Hà Nội, quyết định của Công An Hà Nội khởi tố đồng bào Đồng Tâm là có lý và để “thượng tôn pháp luật”.

“Thượng tôn pháp luật” được hiểu đúng ở Việt Nam như thế nào?

1. Việt Nam hiện nay không phải là một quốc gia tam quyền phân lập.

2. Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng CSVN là duy nhất, toàn diện và tuyệt đối. Điều này đã được ghi trong điều 4 của Hiến Pháp nước CHXHCN VN.

3. Ở Việt Nam, Quốc Hội, Chính Phủ và Toàn Án đều chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng CS VN.

4. Ở Việt Nam, quyết định của Đảng có giá trị cao nhất.

Đó là thực tế không chối cãi từ năm 1945 đến nay. Để cho ai đó khỏi mơ hồ và đừng tranh cãi điều này, xin dẫn ra vài thí dụ gần đây.

Ông Võ Kim Cự gây ra tội tày trời, Đảng chỉ đạo Chính phủ cho nghỉ hưu, Đảng chỉ đạo Quốc hội cho thôi chức vụ ĐBQH.

Ông Đinh Là Thăng gây ra thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng, Đảng chỉ đạo cho thôi chức UV BCT, thôi chức BT Thành ủy TP HCM, cho nhận chức Phó ban Kinh tế TƯ.

Còn về vụ Đồng Tâm, nếu tới đây BCT chỉ đạo dừng khởi tố, CA Hà Nội tất phải chấp hành.

Bởi thế, quay về vụ Đồng Tâm. sau khi được sự đồng ý của Thành ủy Hà Nội, ông Chung mới ký cam kết 3 điểm với đồng bào Đồng Tâm. Quyết định của Thành ủy Hà Nội là quyết định cao nhất trong phạm vi Hà Nội. Hủy bỏ hay phủ nhận quyết định của Thành ủy Hà Nội chỉ có quyết định của Đảng ủy cấp trên là Bộ Chính trị và của BCH TƯ Đảng.

Nhưng tại sao vẫn khởi tố vụ Đồng Tâm? Đó là còn yếu tố Bộ Quốc Phòng. Nếu vấn đề Đồng Tâm chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội, thì giám đốc CA Hà Nội không thể hành động trái với ý kiến của Thành ủy Hà Nội.

Từ đó để thấy, quyết định khởi tố của CA Hà Nội đã không “thượng tôn pháp luật” của Thành ủy Hà Nội.

Cho nên, ông Chung cần phải viện cứu đến Đảng ủy cấp trên, bao trùm cả Hà Nội lẫn Bộ Quốc phòng.

THƯỢNG TÔN CÔNG LÝ

Pháp luật của ai? Pháp luật phục vụ ai? Pháp luật như thế nào?

Từ ba câu hỏi trên có thể suy ra rằng, không phải thượng tôn pháp luật mà thượng tôn công lý mới là điều quan trọng hơn.

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, mâu thuẫn và đấu tranh là hai nhân tố cơ bản đã thúc đẩy các chế độ không ngừng phải hoàn thiện pháp luật về hướng phụng sự cho công lý. May mắn cho những quốc gia nào có hệ thống pháp luật phục vụ cho lợi ích của của số đông, nơi đó công lý được cơ bản thượng tôn. Bất hạnh cho quốc gia nào pháp luật phục vụ cho lợi ích của thiểu số, nơi đó công lý bị chà đạp.

Bởi thế trong vụ Đồng Tâm, nếu muốn nói đến công lý thì phải nhìn nhận đúng bản chất vấn đề.

1. Đất đai của dân bị thu hồi không đúng mục đích sử dụng, bị bỏ hoang phí nhiều năm, bị kẻ có chức quyền lợi dụng chiếm đoạt một cách phi lý. Từ đó làm cho người dân phẫn uất dẫn đến khiếu kiện lâu dài.

2. Đã không trả lại công bằng cho dân, một số kẻ lại còn lợi dụng quyền lực để tiến hành bắt người phi pháp, rồi đánh người gây thương tích. Cực chẳng đã nhân dân Đồng Tâm đã buộc phải tự vệ bắt giữ người của đối phương.

Hành động của nhân dân Đồng Tâm là tự vệ chính đáng. Muốn thượng tôn công lý thì phải khởi tố:

- Những kẻ đã làm lãng phí đất đai của dân trong nhiều năm;
- Những kẻ đã sử dụng đất đai không đúng mục đích trưng thu;
- Những kẻ đã chiếm đoạt đất đai phi lý;
- Những kẻ đã bắt người phi pháp;
- Những kẻ đã đánh người gây thương tích;
Rồi mới xét đến khởi tố người dân Đồng Tâm.

Nhưng công lý đã không được thượng tôn. Vụ án được khởi tố với mục đích rõ ràng là chĩa mũi dùi duy nhất vào nhân dân Đồng Tâm.

HOÀN CẢNH CỦA ÔNG CHUNG

Ở trên đã nêu ra những nhân tố thúc đẩy sự lật lại Thỏa ước Đồng Tâm. Và tất cả đã đưa ông Chung vào một hoàn cảnh khó khăn. Những người chủ trương khởi tố vụ án đã dựa vào các lý do sau đây.

1. Nếu không khởi tố, sẽ tạo tiền lệ xấu, và hậu quả là bạo loạn sẽ xẩy ra nhiều nơi.

2. Khởi tố để tìm ra nguyên nhân và rút ra bài học.

3. Khởi tố để thượng tôn pháp luật. Cam kết là công việc của chính quyền. Còn khởi tố là nhiệm vụ tuân thủ pháp luật của cơ quan bảo vệ pháp luật.

4. Khởi tố nhưng chưa truy cứu. Dựa vào cáo trạng mới biết ở đâu và ai nên miễn truy cứu. Đây là điểm bảo vệ danh dự cam kết cho chính quyền.

Ông Chung biết tất cả 4 điểm nêu trên đều là ngụy biện. Nhưng ông đã không cương quyết để phản bác rằng, muốn khởi tố thì phải khởi tố kẻ bắt người trái pháp luật trước, rằng phải khởi tố kẻ đánh người bị thương tích trước, rằng phải khởi tố kẻ đã điều lính cơ động đi chống đối dân thường trước... Ngoài những điểm đã nêu, còn một nguyên do quan trọng hơn nữa, là ông đã không có thế lực đủ mạnh để gạt đi.

Trên thực tế, ông Chung có một vũ khí cực kỳ lợi hại để phản bác. Nhưng không hiểu vì sao ông chưa sử dụng đến. Đó là Tín Nghĩa.

Nếu chính quyền thủ đô Hà Nội mà bội ước với cam kết của mình trước quốc dân đồng bào thì nhân dân sẽ tin tưởng vào ai? Nếu một chính quyền bội ước thì có đủ tư cách để cai trị dân không? Bốn điểm mà những kẻ ngụy biện nêu ra ở trên sẽ trở thành vô nghĩa khi chính quyền đánh mất lòng tin của nhân dân, bởi vì hậu quả là chính quyền sẽ không thể giữ được chính quyền.

Ông Chung đã rất dày vò trăn trở khi đặt bút ký cam kết ở Đồng Tâm. Nhưng khi thấy được nỗi hân hoan vui mừng của toàn dân, ông nhẹ đi và cảm thấy đã hành động đúng.

Còn giờ đây, những đồng chí của ông lại đặt ông vào một hoàn cảnh khó khăn hơn ở Đồng Tâm, khi bắt ông phải đối mặt với một tội lớn của nhân cách làm người, đó là bội tín.

KỊCH BẢN THỎA HIỆP

Nhiều người đang kỳ vọng vào một kết cục thỏa hiệp. Rằng sau khi khởi tố, dựa vào điều này... miễn trừ truy tố hình sự cho người dân Đồng Tâm.

Là một người từng giữ chức giám đốc CA Hà Nội, ông Chung dự báo được một kết cục khác.

Thỏa thuận với bên phản kháng được tha bổng, sau đó âm thâm tiêu diệt từng người cốt cán một của bên phản kháng, với những lý do hoàn toàn khác, là thủ đoạn kinh điển mà các vua chúa Trung Hoa vẫn làm. Đó là loại thủ đoạn mà loài người căm phẫn khinh rẻ. Bởi đó là sự tráo trở và lật lọng, đối lập với các đức tính Tín Nghĩa mà nhân loại nuôi dưỡng và trân trọng.

VAI TRÒ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Những người không trọng Tín Nghĩa, gió chiều nào che chiều ấy, như ông Dương Trung Quốc và ông Lưu Bình Nhưỡng thì ông Nguyễn Đức Chung không thể kỳ vọng gì. Họ vỗ tay hò reo theo ông Chung nơi hào quang chiến thắng nhanh nhảu bao nhiêu, thì họ sẽ lẳng lặng bỏ rơi ông Chung trong lúc cam go cũng chóng vánh bấy nhiêu.

Bởi vậy, muốn thoát khỏi hoàn cảnh hiện nay, ông Chung chỉ có hai con đường, hoặc là đấu tranh quyết liệt đến cùng để bảo vệ Tín Nghĩa, hoặc là phải tìm con đường đến với người có thể cứu giúp ông – đó là TBT Nguyễn Phú Trọng.

TBT Nguyễn Phú Trọng tất phải can thiệp vào vụ Đồng Tâm. Ở cương vị TBT ông phải nhìn thấy được, nếu chính quyền Hà Nội bội ước với nhân dân Đồng Tâm thì Đảng sẽ mất lòng tin của nhân dân không chỉ ở Đồng Tâm.

ĐẢNG PHẢI BIẾT ƠN NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM

Chính người dân Đồng Tâm đã tham gia quyết liệt chỉ cho Đảng thấy cơ chế quản lý của Đảng khuyết tật.

Chính người dân Đồng Tâm rất quyết liệt chỉ cho Đảng thấy những kẻ cơ hội núp bóng Đảng đang hủy hoại uy tín và thanh danh của Đảng.

Chính người dân Đồng Tâm đang chỉ cho Đảng thấy người Việt kiên cường bất khuất, sẵn sàng hy sinh tất cả vì chính nghĩa.

Chính người dân Đồng Tâm đang tin tưởng vào Đảng. Họ tin tưởng không bờ bến rằng Đảng và chính quyền của Đảng không bao giờ bội ước với những điều đã cam kết, rằng nếu động trời có điều đó xẩy ra, thì đó là do kẻ xấu núp danh Đảng.

Với những người dân như thế, Đảng có thể tin tưởng rằng không có kẻ xấu nào có thể lợi dụng và xúi dục được họ. Với những người dân như thế, Đảng có thể dựa vào họ để đánh tan mọi kẻ thù ngoại xâm.

Đảng phải biết ơn người dân Đồng Tâm.

Ts Toán học Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn: http://chieulang.com.vn/chieu-lang/tin-trang-chu/chi-tiet/chi-ong-trong-moi-cuu-duoc-ong-chung-ts-toan-hoc-nguyen-ngoc-chu-12072.html#.WUXhvr1x4DI.facebook